Các chính sách sửa đổi phải mang lại lợi ích thực sự cho người lao động (05/11/2011)

Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền gồm 5 Chương và 53 điều. Theo Tờ trình, sau 06 năm triển khai thực hiện Nghị định 74 về phòng chống rửa tiền của Chính phủ, một số tồn tại, vướng mắc đã nảy sinh ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động phòng, chống rửa tiền như: chưa giải quyết được một số quy định không đồng bộ giữa Nghị định 74 với các văn bản luật có hiệu lực pháp lý cao hơn; chưa đáp ứng được đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền; Đối tượng có trách nhiệm phòng, chống rửa tiền chưa được mở rộng đến các công ty tín thác, công chứng, kế toán viên…; chưa có những quy định về vấn đề ngân hàng vỏ bọc, tài khoản nặc danh, cá nhân có ảnh hưởng chính trị… Do đó trước những yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế, việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiến là yêu cầu cấp thiết.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, còn một số vấn đề Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến như phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự án Luật. Hiện còn có hai dòng ý kiến về dự án Luật này: Ý kiến thứ nhất tán thành với phạm vi điều chỉnh của Luật. Đề nghị lấy tên gọi của Luật là “Luật Phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố”. Ý kiến khác đề nghị chỉ quy định phòng, chống tài trợ khủng bố liên quan đến rửa tiền và với mức độ như vậy thì cũng chỉ nên có một vài điều khoản về phòng, chống tài trợ khủng bố.

Ý kiến thứ hai đề nghị Luật này chỉ quy định về phòng, chống rửa tiền và tên gọi của Luật là “Luật Phòng, chống rửa tiền”. Tài trợ cho khủng bố tuy có liên quan đến rửa tiền nhưng gắn kết trực tiếp và mật thiết với hoạt động khủng bố. Nếu chỉ quy định phòng, chống tài trợ cho khủng bố từ tội hoạt động rửa tiền như dự án Luật là chưa đầy đủ.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, vấn đề này cũng có 2 loại ý kiến: loại ý kiến thứ nhất cho rằng do cơ quan phòng chống rửa tiền có chức năng tương đối độc lập, nên Luật cũng cần quy định rõ hơn địa vị pháp lý của cơ quan này. Đồng thời, do cơ quan này thu thập, xử lý thông tin trong nhiều lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản... nên cần xem lại việc đặt cơ quan này thuộc Ngân hàng Nhà nước; loại ý kiến thứ hai cho rằng quy định của dự thảo Luật về địa vị pháp lý, chức năng cơ bản như dự thảo Luật là phù hợp.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật phòng, chống rửa tiền, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật phòng, chống rửa tiền như Tờ trình của Chính phủ.

Về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự án Luật, đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế tán thành dòng ý kiến thứ hai với lập luận đã nêu. Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng tán thành loại ý kiến này. Tuy nhiên, do Luật Phòng, chống khủng bố được ban hành sau, để thể hiện sự cam kết của Nhà nước ta với quốc tế, trong Luật Phòng, chống rửa tiền cần có một điều quy định nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài trợ khủng bố, việc xử lý cụ thể do Luật Phòng, chống khủng bố quy định.

Về vị trí của Cơ quan phòng, chống rửa tiền, Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định về Cơ quan phòng, chống rửa tiền như Dự án Luật là quá đơn giản, chưa khẳng định rõ địa vị pháp lý (tính độc lập tương đối) của cơ quan này (theo yêu cầu của chuẩn mực quốc tế). Ủy ban kinh tế tán thành việc đặt Cơ quan phòng chống rửa tiền tại Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên lưu ý đây chỉ là cơ quan đầu mối. Việc phòng, chống rửa tiền trong các ngành, lĩnh vực phải do các cơ quan chuyên ngành trực tiếp thực hiện.

Theo Tờ trình, Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) gồm 17 chương và 273 điều (trong đó giữ nguyên 52 điều, sửa đổi 157 điều và bổ sung mới 64 điều).

Nội dung chủ yếu tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện một số quy định như: hợp đồng lao động và những vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động; tiền lương và tiền lương tối thiểu; an toàn lao động và vệ sinh lao động; lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; một số chính sách đối với lao động nữ; thương lượng tập thể; trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và bảo vệ cán bộ công đoàn…

Dự thảo Luật cũng bổ sung một số quy định mới như: thỏa ước lao động tập thể ngành, mức lương tối thiểu ngành, không cho phép đình công về quyền, tạm thời đóng cửa doanh nghiệp, tăng thời giờ làm thêm, tăng thời gian nghỉ thai sản, quyền nghỉ hưu, cho thuê lại lao động, lao động giúp việc gia đình, lao động không trọn thời gian… Mức độ sửa đổi này cùng với đánh giá tác động từ các chính sách cho thấy những nội dung sửa đổi chỉ mới đáp ứng một phần yêu cầu đặt ra đối với việc thể chế hóa quan điểm của Đảng cũng như thực tiễn cuộc sống.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề của xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, Ủy ban về các vấn đề của xã hội nhận thấy, việc sửa đổi Bộ luật Lao động cần phải tiếp tục quan tâm theo hướng xây dựng các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các vấn đề về tiền lương và tiền lương tối thiểu; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; an toàn lao động, vệ sinh lao động. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiền lương theo quan điểm là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Vai trò của Nhà nước phải được thể hiện thông qua việc đưa ra các quy định nhằm hỗ trợ cho tiền lương được thực hiện hợp lý, bình đẳng và công bằng; định kỳ công bố tiền lương tối thiểu nhằm xây dựng mức sàn tối thiểu bền vững để bảo vệ cho nhóm lao động yếu thế, dễ bị tổn thương.

Về hợp đồng lao động, việc dự án Bộ luật quy định bỏ giới hạn trần trong loại hợp đồng xác định thời hạn và bổ sung quy định bắt buộc người sử dụng phải ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với người lao động có thời gian làm việc liên tục từ 10 năm trở lên nhằm hạn chế tác động tiêu cực của việc bỏ mức trần 36 tháng theo Ủy ban là chưa hợp lý. Ủy ban cho rằng, vẫn cần phải xác định mức trần thời gian đối với loại hợp đồng này để hạn chế khả năng người sử dụng lao động lợi dụng, vi phạm quyền lợi hợp pháp của người lao động, nhất là đối với nhóm lao động giản đơn, làm việc ở các ngành, nghề yếu thế. Ngoài ra, cần sửa đổi quy định về hợp đồng lao động vô hiệu để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Ủy ban ủng hộ xu hướng tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ và cho rằng, nên quy định linh hoạt hơn, từ 4 tháng đến 6 tháng với các điều kiện khác nhau cho phù hợp với công việc, cuộc sống của người đó.

Về tính khả thi của dự luật, theo Ủy ban, dự thảo Bộ luật có 60 điều cần phải hướng dẫn thi hành, trong đó có 27 điều, khoản quy định do Chính phủ hướng dẫn hoặc Chính phủ quy định và 20 điều, khoản thực hiện theo quy định của pháp luật… Vì vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định hiện hành, bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn và cụ thể hóa các điều, khoản trong dự thảo Bộ luật, đặc biệt là tính khả thi của một số quy định, cần hướng tới các chính sách sửa đổi phải mang lại lợi ích thực sự cho người lao động, cho các bên trong quan hệ lao động và bảo đảm Bộ luật Lao động thực sự đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội…

Cũng trong chiều 4/11, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra 2 Dự án Luật khác là Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

A Hoàng