Cả nước chung tay vì người nghèo
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, cung cấp số liệu mới nhất về công tác giảm nghèo, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Cả nước còn 1,3 triệu hộ nghèo, nhưng tốc độ giảm nghèo trên 1,5% đã vượt yêu cầu của Quốc hội giao. Số hộ cận nghèo còn 1,2 triệu hộ, chiếm gần 5% tổng số hộ của cả nước. Số hộ thiếu đói giảm mạnh trong 7 tháng qua với mức giảm 31,7%.
Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, ưu tiên đầu tư nguồn lực nhằm giảm nghèo bền vững. Thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12-11-2015 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2-9-2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều không đơn thuần chỉ là giúp người dân đủ cơm ăn, áo mặc, mà còn là việc phải đảm bảo để mọi người có thể tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin.
Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” tổ chức ngày 17-10-2019 nhằm hưởng ứng Ngày vì người nghèo Việt Nam và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau”. Tại lễ phát động Nhắn tin ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” năm 2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2019 có nhiều điểm mới. Chương trình sẽ tập trung xây nhà ở cho người nghèo, đặc biệt là hộ gia đình Người có công và xử lý dứt điểm, không để Người có công còn phải ở nhà đơn sơ, nhà tạm trong năm 2019 (hiện cả nước còn 16.500 hộ nghèo thuộc đối tượng Người có công). Ngoài ra, nguồn lực ủng hộ sẽ tập trung chăm lo Tết cho người nghèo sung túc hơn với tinh thần: “Tết đến mọi nhà, Tết đến mọi người”, đồng thời bố trí dành học bổng kịp thời cho các học sinh, sinh viên nghèo đang học ở các trường nghề, cao đẳng, đại học trong tháng 9-2019.
Suốt 19 năm qua, hưởng ứng phát động của Đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, việc ủng hộ người nghèo vươn lên thoát nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn xã hội. Qua 3 năm 2017-2019, triển khai chương trình đã có đông đảo các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân ủng hộ qua quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp và chương trình an sinh xã hội với số tiền trên 9.573 tỷ đồng, trong đó ủng hộ qua quỹ “Vì người nghèo” T.Ư trên 89 tỷ đồng (bao gồm cả ủng hộ bằng nhắn tin qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 trên 10 tỷ đồng), qua quỹ “Vì người nghèo” địa phương trên 2.880 tỷ đồng, thực hiện chương trình an sinh xã hội trên 6.603 tỷ đồng.
MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận từ T.Ư đến các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai vận động quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội. Qua đó vận động các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức phi Chính phủ, các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... đăng ký ủng hộ giúp đỡ người nghèo, thực hiện các Chương trình an sinh xã hội. Công tác vận động có tính xã hội hoá cao, phương thức phù hợp, vừa vận động quỹ “Vì người nghèo” vừa vận động các Chương trình an sinh xã hội nên đã huy động được các nguồn lực to lớn, với sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp, đơn vị và từng cộng đồng dân cư góp phần cùng với Chính phủ thực hiện an sinh xã hội, Nghị quyết 30a, Quyết định 167 đã xây dựng, sửa chữa nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, làm các công trình dân sinh, hàng triệu người nghèo được giúp đỡ.
Kết quả giúp đỡ người nghèo không những chăm lo về vật chất, thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phát triển bền vững của đất nước, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới mà còn phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, khơi dậy tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau từ mỗi cộng đồng dân cư cùng chăm lo, củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quang Vinh