Năm 1974 khi vừa tròn 20 tuổi, Trần Huy Vụ lên đường nhập ngũ và đến năm 1982 thì ra quân. Trở về địa phương tham gia công tác Đoàn Thanh niên anh đã gặp và nên duyên cùng cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên. Hai vợ chồng trẻ sống cùng cha mẹ trong một gia đình đông anh, chị em dưới thời bao cấp gặp không ít khó khăn. Vừa tham gia công tác xã hội, anh chị vừa cùng gia đình làm thêm nhiều nghề khác nhau như đan làn mây, làm miến, kinh doanh thuốc bắc theo nghề truyền thống để mưu sinh.
Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhận thấy nghề làm thuốc bắc vẫn là nghề có giá trị nhân văn nhất. Năm 1998, anh xin phép bố mẹ tách ra làm riêng. Lúc đầu vốn ít nên các mặt hàng của anh cũng ít, anh đầu tư thời gian tìm tòi, học hỏi để hiểu sâu về tính năng của từng vị thuốc và sự kết hợp giữa chúng nhằm tư vấn cho khách hàng một cách chính xác nhất. Đồng thời anh đi đến các địa phương khác, có khi ở Ninh Bình, có khi vào tận Nha Trang, tìm mua tận gốc nguồn dược liệu tốt nhất. Bằng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, khi số vốn của anh lớn dần thì anh dễ dàng tiếp cận mua được nguồn dược liệu tốt, giá thành hạ. Vì thế mà “tiếng lành đồn xa”, khách hàng của anh cũng đông dần theo. Hiện nay thị trường tiêu thụ của anh rải rác khắp từ Bắc vào Nam. Bình quân cửa hàng luôn có từ 400-500 vị thuốc các loại. Mỗi tháng, anh xuất ra thị trường từ 5-7 tấn dược liệu, đảm bảo thu nhập từ 3-4,5 triệu đồng/ người/tháng cho 7 công nhân, thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng, tất cả những lao động làm với anh đều được mua bảo hiểm y tế, hằng năm được đi thăm quan các địa danh trong nước, các ngày lễ, tết đều có quà, đau ốm nằm viện hay gặp khó khăn đột xuất đều được hỗ trợ động viên.
Không chỉ có vậy, đã nhiều năm nay biết gia đình anh Thành ở chợ Lan, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình gặp nhiều khó khăn do cả hai vợ chồng bị thiểu năng, con bị câm, anh Vụ đã bàn với gia đình nhận trợ cấp thường xuyên cho gia đình anh Thành, như tiền ăn, quần áo, lễ tết, tiền thuốc chữa bệnh, đau ốm… Đó là chưa kể hằng năm, anh chị đều dành một khoản tiền để làm từ thiện và góp phần xây dựng khu dân cư.
Hỏi về những việc làm tình nghĩa, anh Vụ khiêm tốn nói với tôi: Đó chỉ là việc làm rất nhỏ mà gia đình tôi muốn góp phần cùng xã hội đem lại niềm vui cho những người có hoàn cảnh kém may mắn mà thôi.
Sống trong gia đình có truyền thống cách mạng, lại được bố mẹ chăm nom, khuyên dạy, hai người con trai của anh chị đều ngoan và học giỏi. Cháu lớn tốt nghiệp đại học, trở về quê hương nối nghiệp của bố, giữ nghề truyền thống gia đình.
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng chị Liên và cả cô con dâu cả cũng theo mẹ học xong chương trình trung cấp dược, hiện nay lại tiếp tục theo học chương trình trung cấp đông y tại Trường Đông y Tuệ Tĩnh. Chị Liên tâm sự: Nghề làm thuốc là nghề cứu người-nghề làm phúc. Đúng như Bác Hồ đã dạy “Lương y phải như từ mẫu”. Muốn cứu được người, muốn làm “người mẹ hiền” thì mình phải có kiến thức, có văn hóa, nên cả nhà tôi ai cũng thi đua học, không kể tuổi tác.
Tôi được biết mục tiêu của anh chị hướng tới là cả nhà đều có thể khám, bốc thuốc chữa bệnh được. Chung sức chung lòng nên gia đình anh chị lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười và giàu lòng nhân ái. Tin tưởng rằng những năm tới gia đình anh Vụ, chị Liên đều là những thầy thuốc “mát tay” mang niềm vui, niềm hạnh phúc đến với nhiều bệnh nhân.
Ông Nguyễn Văn Bằng - Bí thư Chi bộ khu phố 1A nói với tôi: Anh Trần Huy Vụ không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn là một hội viên CCB gương mẫu, tích cực trong mọi phong trào hoạt động của Hội, nhất là phong trào từ thiện. Gia đình anh liên tục được bình chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu của khu phố 1A, thị trấn Quỳnh Côi.
Bài và ảnh:Minh Duyên