Cả "công đồn", "diệt viện" đều thua!
Báo tháng 7 - Trong lịch sử quân sự, có những trận đánh diễn ra trong một thời gian rất ngắn, trên một không gian không rộng, lực lượng tham gia không lớn... Nhưng nếu ta đánh không thắng, lại tác động lớn đến cục diện chung. Trận đánh đồn Sen Bàng (dưới đây gọi tắt là đồn) diễn ra ngày 29-6-1953 tại Bố Trạch - Quảng Bình là một trong những trận như vậy.
Đây là trận công kiên kết hợp phục kích của Trung đoàn 103 Hà Tĩnh nhằm tiêu diệt quân địch trong đồn và các vùng lân cận. Nhưng trận đánh đã không thành công.
Đồn Sen Bàng (dưới đây gọi tắt là đồn) có cấu trúc bằng đất và gỗ khá kiên cố, lại được bao bọc bởi hai bức tường đất dày 0,8m chạy theo hình chữ "chi", phía trên có mái che. Dưới chân các bức tường là hệ thống hầm và chi chít các lỗ châu mai. Bốn góc đồn có 4 lô cốt, đồng thời là các ụ hỏa lực súng máy. Vòng ngoài đồn được bao bọc bới một hàng rào tre dày đặc. Lực lượng địch đồn trú tại đây có khoảng hơn 60 quân; hỏa lực có 3 khẩu pháo 75 ly, 1 đại liên, 2 súng cối, 2 thượng liên. Đồn nằm án ngữ ngay ngã ba tỉnh lộ Chánh Hòa - Hoàn Lão - Đá Mài và trong chuỗi đồn, bốt ở phía bắc Quảng Bình, tạo thành một hệ thống đồn, bốt có thể chi viện, ứng cứu cho nhau thuận tiện mỗi khi bị tiến công.
Trong khi đó về phía ta, Trung đoàn 103 là đơn vị chủ lực của Hà Tĩnh nhưng được BTL Liên khu 4 điều vào tác chiến ở mặt trận Bắc Quảng Bình theo tinh thần của Hội nghị BCH Trung ương Đảng mở rộng (1-1948) chỉ đạo: "Đánh mạnh ở Bình - Trị - Thiên; thúc đấy phong trào kháng chiến, ngăn chặn địch đánh ra Thanh - Nghệ - Tĩnh".
Trung đoàn được BTL Liên khu giao nhiệm vụ tiến công đồn và phục kích đánh quân địch ứng cứu. Nhận được lệnh, BCH Trung đoàn quyết định chỉ sử dụng 2 trong số 3 tiểu đoàn, chia thành 2 bộ phận: Bộ phận công đồn (Tiểu đoàn 346) và bộ phận phục kích đánh viện (Tiểu đoàn 400).
Thời gian nổ súng của trận đánh được xác định là 21 giờ ngày 29-6. Tuy nhiên, ngay trong quá trình tiếp cận mục tiêu đã xảy ra một số bất trắc “chết người”. Chỉ duy nhất có Đại đội 53 vào chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian, còn Đại đội 50 và Đại đội 52 bị lạc đường, vào chiếm lĩnh trận địa muộn. Cũng do lạc đường, đã đụng phải toán quân địch đi tuần tiễu, buộc phải nổ súng chiến đấu, vô hình chung "tự báo động" cho quân địch trong đồn biết để đối phó. Chưa hết, bộ phận hỏa lực do quán triệt nhiệm vụ không kỹ, trinh sát trận địa lại qua loa, nên khi vào chiếm lĩnh phải loay hoay mãi mới tìm được vị trí đặt súng. Vì những "trục trặc" như vậy mà thời gian nổ súng buộc phải lùi lại so với kế hoạch đề ra.
4 giờ 30 phút ngày 30-6 trận đánh chính thức mở màn, bộ đội đánh chiếm được một số mục tiêu bên trong đồn. Nhưng do phát triển tiến công chậm, tổ chức lực lượng và hiệp đồng lại thiếu chặt chẽ nên phải đến 6 giờ 30 phút, các mũi mới củng cố xong đội hình và tổ chức xung phong thì đã quá muộn! Quân địch phản kích lại quyết liệt, gây thương vong lớn cho bộ đội. Trận đánh giằng co kéo dài mỗi lúc một ác liệt. Trước tình thế đó, BCH Tiểu đoàn quyết định cho các đại đội rút lui ra ngoài.
Mũi "công đồn" đã vậy, trên hướng phục kích của mũi "đả viện" cũng không sáng sủa gì hơn. Sáng ngày 30-6, một đạị đội xe cơ giới của địch chở đầy binh lính từ Liên Dinh kéo đến tiếp việc cho đồn đã lọt vào trận địa phục kích của Đại đội 84 (Tiểu đoàn 400). Nhưng do bố trí đội hình không hợp lý nên Đại đội 84 đã không tiêu diệt được quân địch. Trận đánh diễn ra trong thế giằng co kéo dài đến khoảng 11 giờ thì BCH Đại đội cho đơn vị rút lui. Vậy là cả hai bộ phận đánh đồn và phục kích đều không hoàn thành nhiệm vụ.
Trận đánh không thành công do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trước hết, Trung đoàn đã tổ chức chiến đấu thiếu chu đáo; thậm chí một số mặt chuẩn bị còn qua loa, đại khái.
Trong trận đánh này, mọi trục trặc đều xuất phát từ khâu trinh sát không cụ thể, không sát với thực tế, đến mức tiến công lạc đường; thậm chí bộ phận hỏa lực chủ công mà khi vào tới nơi vẫn chưa xác định được vị trí đặt súng!
Do trinh sát, điều nghiên không tốt, nên không nắm được chính xác lực lượng quân địch, cũng như cách bố phòng trong đồn và khả năng ứng cứu của chúng khi bị tiến công... bởi vậy mà bố trì, sử dụng lực lượng trên từng hướng, trong từng mũi chưa hợp lý.
Bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan kể trên, còn có nguyên nhân khách quan khác. Đó là quân số thực của Tiểu đoàn chưa đáp ứng so với yêu cầu biên chế. Bộ đội tham gia trận đánh này có tinh thần dũng cảm và ý chí quyết thắng, nhưng trình độ kỹ, chiến thuật "công đồn - diệt viện" chưa được cọ xát, tích lũy nhiều. Trang bị cho bộ đội trong trận công đồn, nhất là với một đồn khá “rắn” như đồn Sen Bàng, chưa được chỉ huy các cấp chú ý đúng mức.
Trận Sen Bàng tuy là một trận đánh không thành công, nhưng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm xương máu cho Trung đoàn 103 nói riêng, lực lượng vũ trang Liên khu 4 nói chung. Đó là bài học trong bất kỳ một trận đánh hay chiến dịch nào cũng đều phải "hiểu địch, nắm địch", nắm vững địa hình một cách tường tận. Trên cơ sở đó mới xây dựng được quyết tâm và kế hoạch đánh địch một cách sát, đúng và hơp lý.
Việt Anh