Bước tiến trong hoạt động tín dụng
Mạng lưới hoạt động của tín dụng chính sách được "phủ” đến từng thôn, bản thông qua gần 190.000 tổ tiết kiệm, vay vốn và 11.000 điểm giao dịch xã đã đồng thời hướng dẫn sử dụng vốn vay phù hợp với khả năng, điều kiện của hộ vay. Tín dụng chính sách đã góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước giai đoạn 2011-2016 từ 11,76% xuống còn 8,38%.
Điển hình trong số những người thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ vay tiền từ Ngân hàng CSXH là gia đình anh La Văn Sinh, dân tộc Giáy, ở thôn Mường Hum, xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Năm 2009, anh được vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo từ Ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất.
Từ vốn vay ưu đãi này, anh Sinh đã mua trâu, bò về nuôi, tận dụng được những cánh đồng cỏ ở quê anh. Trâu bò lớn nhanh, bán đi anh dành tiền nuôi thêm cả lợn, gà...
Chỉ sau vài năm, gia đình anh đã có “của ăn, của để”. Thậm chí anh còn xây được cả nhà ở khá khang trang. Anh Sinh cho biết: Trước đây, gia đình anh phần vì ít đất sản xuất, phần vì không có vốn làm ăn nên không làm sao thoát được nghèo. Từ khi vay được tiền vốn Ngân hàng CSXH, gia đình tập trung vào chăn nuôi, dần dần có lãi, tích góp mở cửa hàng bán hoa quả có thêm điều kiện nuôi các con ăn học.
Trong thời gian tới, thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tạo quỹ đất sản xuất, Ngân hàng CSXH đã khẩn trương phân bổ về các địa phương để triển khai cho vay theo quy định. Đến nay, tổng dư nợ của Chương trình là 7 tỷ 953 triệu đồng, với 213 hộ gia đình vay vốn.
Đây là nguồn lực đáng kể đổi thay cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trong địa bàn.
Trần Giang