Bước đột phá lịch sử
Ngay sau cuộc gặp riêng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Trump khẳng định tiến trình phi hạt nhân sẽ bắt đầu "rất nhanh chóng". Tin tích cực hơn nữa: Trong văn kiện chung ký kết ngày 12-6 sau các cuộc gặp với ông Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết sẽ "phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên".
Chi tiết hơn, tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm, ông Trump đã nêu cụ thể bốn điểm chính trong “thỏa thuận toàn diện” mà lãnh đạo hai bên đã ký kết: Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập một mối quan hệ mới giữa hai nước dựa trên các nguyện vọng chính đáng của nhân dân vì một nền hòa bình và thịnh vượng; hai nước tiếp tục các nỗ lực xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên; tái nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố Bàn Môn Điếm về Hòa bình, Thịnh vượng và Ổn định trên bán đảo Triều Tiên được ký kết ngày 27-4-2018 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in; Mỹ và Triều Tiên cam kết tìm kiếm và hồi hương hài cốt các tù nhân chiến tranh, đặc biệt hồi hương ngay lập tức các trường hợp đã xác định rõ danh tính.
Vậy là mối quan ngại chính - vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên - đã có lời giải. Vấn đề còn lại chỉ là biện pháp và tiến trình thực hiện. Lịch sử quan hệ Mỹ - Triều Tiên đã chính thức sang trang mới kể từ sáng 12-6 - trang của hợp tác nhằm bảo đảm an ninh, hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên.
Không đơn thuần mà giới quan sát và nhiều quốc gia chỉ thở phào khi Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên chính thức bắt tay nhau sáng 12-6 bởi cuộc khủng hoảng Triều Tiên gắn liền với vấn đề hạt nhân trên bán đảo này đã qua quá nhiều bước thăng trầm. Trải qua 11 đời tổng thống Mỹ, ba thế hệ lãnh đạo Triều Tiên, hàng chục năm từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, hàng chục cuộc họp đa phương, gặp gỡ song phương, có những lúc thỏa thuận giải quyết vấn đề hạt nhân tưởng như đã trong tầm với nhưng đều bị vuột khỏi tay nhiều khi chỉ bởi những lý do rất đơn giản.
Sở dĩ giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên phức tạp vì các bên thiếu quyết tâm và niềm tin lẫn nhau. Mỹ luôn coi Triều Tiên là đối tượng tác chiến với nhiều cuộc diễn tập với Hàn Quốc và Nhật Bản có đối tượng tác chiến là Triều Tiên. Mỹ đã từng liệt Triều Tiên vào “trục ma quỷ” và ngay trong chiến lược an ninh quốc gia gần đây nhất của nước này, Triều Tiên vẫn được liệt trong danh sách đen của Mỹ. Triều Tiên, tương tự như vậy, cũng có mối quan tâm tới an ninh và vận mệnh quốc gia mình. Nước này chọn con đường quân sự hóa mà đặc biệt là phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, nhằm tăng sức mạnh quân sự và khả năng răn đe quân sự khi không khí thù địch luôn bao trùm và với khoảng ba vạn quân Mỹ được trang bị hiện đại đồn trú ngay bên sườn.
Một khó khăn nữa cũng cản trở quá trình đàm phán xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên là sự can dự của các nước liên quan như Nga (trước đây là Liên Xô), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỗi nước có mối quan tâm, đòi hỏi riêng mỗi khi tiến hành các cuộc đàm phán nhất là khi họ thiếu niềm tin lại không chịu nhượng bộ.
May thay, gió đã đổi chiều. Quyết tâm táo bạo và niềm tin của Mỹ và Triều Tiên đã khiến các quốc gia liên quan tham gia vào tiến trình phi hạt nhân hóa này với những đóng góp tích cực và thái độ thiện chí hơn. Ngay trong sáng 12-6, Trung Quốc ca ngợi Hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Mỹ - Triều Tiên đã tạo nên một "lịch sử mới", đồng thời kêu gọi việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn nhằm giải quyết căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng để giải quyết vấn đề hạt nhân, một mặt cần tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn, mặt khác cần có một cơ chế hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên nhằm đáp ứng các mối quan ngại an ninh phù hợp của Bình Nhưỡng.
Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Malaysia Mahathir Mohamad hiện đang ở thăm Tokyo nhất trí hợp tác giải quyết vấn đề phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cũng như việc công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Thủ tướng Nhật Bản gần đây cũng đã có hai cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ, trong đó vấn đề Triều Tiên luôn được nêu ra. Một quốc gia cũng có mối quan ngại lớn và cũng đã có những đóng góp rất lớn để dẫn tới cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên này là Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chìa cành ô-liu hòa bình để rồi phái đoàn Triều Tiên sang dự Olympic mùa Đông ở Hàn Quốc đầu năm nay mở ra hướng dẫn tới cuộc họp thượng đỉnh liên Triều ở Bàn Môn Điếm và dẫn đến cái bắt tay giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy vậy, Tổng thống Hàn Quốc cho rằng vấn đề căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và vấn đề hạt nhân sẽ không thể được giải quyết chỉ thông qua một cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên mà đây sẽ là quá trình có thể kéo dài một năm, hai năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa.
Như vậy, con đường hòa bình đã mở ra với Triều Tiên và các nước liên quan. Tới đích hòa bình được và nhanh hay không còn phụ thuộc vào thiện ý và việc tuân thủ thỏa thuận của các nước.
Ngọc Hưng