Bún cá miền Tây
Bún cá miền Tây thường được chế biến từ cá lóc (cá chuối) và bún tươi. Gia vị gồm sả, nghệ, me ngào, tỏi, ớt, mì chính. Nấu món này rất công phu và đòi hỏi sự tỉ mỉ của người nấu. Bún cá ngon thì nước lèo (nước dùng) phải trong, có vị ngọt từ xương cá, đậm đà vị ruốc và không tanh mùi cá. Phải chọn loại cá lóc còn tươi, thì khi nấu, thịt cá mới ngon và ngọt. Cá sau khi được luộc chín vớt ra, gỡ lấy phần thịt ướp gia vị cùng bột nghệ, xào sơ cho thấm. Có thể chế biến theo cách khác là lọc cá sống thành miếng, cho cả xương và thịt cá vào nồi nước sạch, luộc chín. Vớt thịt cá ra chảo, chiên vàng đều các mặt. Nước lèo được nấu bằng nước luộc cá, xương lợn, mực khô.
Gia vị không thể thiếu là tỏi, bột nghệ, nhất là mắm ruốc. Hòa mắm ruốc với nước lạnh, chắt lấy phần nước trong đổ vào nồi nước lèo đang nấu, tạo nên hương vị đặc biệt.
Rau ăn kèm cùng bún cá rất phong phú và đa dạng, như rau muống bào, bắp chuối non, giá đỗ, rau đắng đất, rau nhút và bông điên điển... Bông điên điển là một loại bông đặc trưng chỉ có ở miền Tây và thường chỉ có vào mùa nước nổi.
Món bún cá khi ăn cùng bông điên điển thì mới có thể cảm nhận hết được cái sự ngon lành và hấp dẫn của nó.
Bún cá là một món ăn được người dân miền Tây yêu thích. Nay món đặc sản này tới nhiều miền đất nước, nhưng ngon nhất vẫn cứ phải về miền Tây.
Phạm Văn Hà