Bức thư tình của Anh hùng bác sĩ Đặng Thùy Trâm (28/06/2012)
Qua từng dòng chữ, người ta có thể cảm nhận thấy chị đã yêu và dành trọn tình yêu đắm say, mãnh liệt, tha thiết, thuỷ chung cho người giải phóng quân ấy như thế nào.
M là chữ đầu của chữ Mộc. Nguyên Mộc hay Đỗ Mộc cũng vậy, bút danh của Khương Thế Hưng. Trong nhiều bản nhạc, bài thơ anh sáng tác, những bức thư gửi cho người thân và Thuỳ, anh đều ký tên như vậy. Hình bóng anh đã chế ngự phần lớn trong tâm hồn chị. Việc chị xung phong vào miền Nam chiến đấu theo tiếng gọi Tổ quốc còn có tiếng gọi của tình yêu.
Vừa rồi, thật may mắn và tình cờ, chúng tôi có được một bức thư của chị gửi người yêu - anh Khương Thế Hưng. Bức thư được viết trên tờ giấy vừa bằng một bàn tay. Chữ rất nhỏ, nhưng nét bút đều, khoáng đạt và dễ đọc. Chứa đựng trong tờ giấy nhỏ là cả một mối tình sâu thẳm, trong ngần, nhưng đã bị dồn nén…
Lá thư đề ngày 17-3-1969, chị viết gửi cho M trong một buổi chiều ở bệnh xá Đức Phổ. Góc trái có chữ Thuỳ. Trang đầu, chị chép lại một đoạn trong nhật ký viết ngày 9-3-69. “Gặp lại anh Tấn, bỗng nhiên mình thấy có cái gì bứt rứt không yên. Cái gì? Nỗi buồn, nỗi nhớ, nỗi oán trách, hay cái gì mình cũng không nhớ rõ nữa, chỉ thấy lòng xao động một cách không bình thường. Anh Tấn đã gợi lại cho mình những điều mà lâu nay một phần vì bận rộn, một phần vì cố ý, mình đã quên đi. M ơi! Ta thực sự xa nhau rồi ư? Anh Tấn về không đem một tin nào của anh cả. Anh ở đâu? Sao em cảm thấy trái tim mình rỉ máu, vết thương của con tim sao khó lành đến vậy?”…
“Chiều nay ở đây và ở đó ta cùng đang trong cuộc chiến đấu nóng bỏng, ta cùng chung nhịp thở của những người đồng chí vào sinh ra tử có nhau, vậy mà… Sao lại xa cách đến thế này hở người đồng chí yêu thương”.
Những dòng nhật ký trên thay cho câu trả lời mà chị định nói với anh. Những tưởng sau 5 năm chờ đợi và hy vọng, vượt một chặng đường dài đầy gian khó vào đến nơi M chiến đấu, chị sẽ nhận được ở anh những phút giây hạnh phúc, dẫu là trong bom đạn. Nhưng anh đã im lặng và chị không thể hiểu được vì sao lại như vậy.
Khi viết lá thư này, sau 3 năm cùng anh trên một trận tuyến, mà hai người mới chỉ gặp nhau đôi ba lần. Chiến tranh quá khốc liệt ư? Không! Gian khổ, đói rét, mất mát, hi sinh, nhưng người lính không sờn lòng. Cả anh, cả chị đều yêu. Nhưng cả hai đều im lặng. Đặc biệt là anh. Chính vì thế, chị vẫn không có câu trả lời điều gì đã ngăn trở tình yêu của hai người. Đã có lúc chị nghĩ rằng anh đã có một mối tình khác và chị cố quên anh đi. Nhưng không phải như vậy.
Trong sâu thẳm con tim, chị luôn nghĩ đến anh, nghĩ đến mối tình đầu tiên, nhớ những lúc cùng nhau bàn luận văn chương trên căn gác nhỏ ở phố Phan Bội Châu (Hà Nội) hay bên nhau đi dạo trên con đường rợp bóng cây ngát hương hoa sữa… Chị viết: “Thực ra, vấn đề khó mà nói cách nào cho anh hiểu kĩ hơn về tình cảm của em đối với anh hiện nay nữa. Với mọi người em nói rằng anh là một người bạn. Thế thôi. Câu nói đó đúng như điều anh thường nói. Nhưng với riêng em thì hình như không hẳn là như vậy. Nghĩa là cái gì của 9 năm qua không phải dễ mất đi dù người ta có muốn dứt bỏ nó. Người ta là ai? Là anh, là em hay là những dư luận đang bao bọc cả hai đứa mình? Anh xác định đi, ai cũng có trong đó, cả anh à… Vậy mà gốc rễ của tình yêu thương hình như vẫn còn nằm sâu trong lòng đất, vẫn còn đủ sức sống, vẫn có thể đâm chồi nẩy lộc nếu mùa xuân lại về với những hạt mưa xuân mát lạnh trên má người con gái năm xưa”…
Bức thư ngắn ngủi mà có tới ba lần chị thay đổi cách xưng hô với anh. Đầu thư chị xưng “anh, em”, giữa thư chị xưng “tôi và đồng chí”, cuối thư là “em của anh”. Đúng là giận dỗi thật đấy, nhưng lời lẽ trong thư vẫn nhẹ nhàng, sâu lắng, chị thổ lộ tình yêu thầm kín của mình. Chị viết “Đừng trách tôi nghe đồng chí! Tiếng súng chiến thắng đang nổ giòn trên khắp các chiến trường, chiến thắng ấy có công sức của anh, những người chiến sĩ giải phóng và có chút xíu của em người ở hậu phương - Em nghe rồi nhưng vẫn có lúc nào đó giữa 2 tràng tiếng nổ em nghe tiếng thì thầm của trái tim… Mong anh được bình an và khoẻ, mãi mãi là người giải phóng quân cầm súng mà tâm hồn không phải chỉ có lửa đạn…”.
Thế hệ bây giờ chắc là khó hiểu tại sao chị lại thay đổi cách xưng hô như vậy. Nhưng những người đã sống qua cái thời ác liệt ấy chắc chắn là hiểu, là thấy, trong những dòng chữ đó là cả một tình yêu cháy bỏng. Để rồi, khi nhận tin sét đánh: Thuỳ Trâm đã hi sinh, tình cảm vốn bị dồn nén lâu ngày đã như nổ tung. Anh không còn giữ kẽ nữa mà cứ để những lời cháy bỏng tuôn trào, lẫn trong dòng nước mắt đớn đau. Anh đã thú nhận tình yêu:
“Em chết đi biến thành ngọn gió lượn trên đầu anh, trên đời anh, thành tiếng gọi đằng trước để anh đi tới. Âm thanh là không khí đối lưu? Nó dồn đi nơi nào đó, nơi kia thành chân không? Có phải vậy đâu, mà lòng anh hôm nay thì trống rỗng… Bây giờ thì như bao giờ anh cũng cần sống xứng đáng hơn. Bao giờ cũng phải phủ định mình để khẳng định. Sống như vậy cực lắm Thuỳ ơi! Anh đuối sức. Và anh đau khổ…”.
Trần Thanh Hằng