Bữa cơm tình nghĩa

Sau gần 2 tháng điều trị sụp mi mắt do di chứng sốt rét ác tính ở Viện quân y 2 - Bệnh viện tuyến cuối của Cánh Trung (Mặt trận Tây Nguyên), đóng ở sát biên giới Campuchia, một buổi sáng đầu tháng 12-1973, tôi được ra viện. Trước khi ra về, tôi đi chào hết lượt các bác sĩ, y tá trong Khoa và anh em cùng điều trị nên xuất phát hơi muộn, vì thế về đến làng Bò (nay thuộc xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, Gia Lai) thì mặt trời đã đứng bóng. Từ đây cứ thẳng đường ô tô ra đường 19, leo lên đỉnh Chư Bồ, rẽ trái xuống 3km là về tới đơn vị, đi nhanh phải mất gần 4 tiếng đồng hồ nữa.

Trời lúc này đang nắng nóng hừng hực, bi đông nước đã vơi già nửa, người mệt bã, nhưng niềm vui được trở về với đồng đội tiếp tục chiến đấu như giục dã. Tôi xốc lại ba lô, bước tiếp. Nhưng mới được một đoạn thì mồ hôi đã vã ra như tắm, bát cơm phụ sáng đã tiêu hết, bụng cồn cào, bước chân như chùn lại. Tôi rẽ vào gốc cây bên đường nghỉ cho lại sức. Nhưng càng ngồi, người càng mệt lả vì đói. Tôi nảy ra ý định vào một đơn vị ở gần đường xin bát cơm ăn để lấy sức đi tiếp. Cố đứng dậy lê từng bước uể oải. Được vài trăm mét thì thấy bên phải có con đường mòn, tôi quyết định rẽ vào. Vừa ra khỏi vạt rừng thì hiện ra một làng nhỏ với hơn chục ngôi nhà sàn xinh xắn quần tụ trên một bãi đất bằng. Tôi mạnh dạn đi đến ngôi nhà cửa đang mở ở ngay đầu làng, mái tranh còn vàng óng. Một thanh niên đóng khố cởi trần từ trong nhà bước ra, thấy tôi anh nhoẻn miệng cười. Tôi liền lên tiếng: “Chào đồng bào! Mình đi viện về, bụng đang đói, đồng bào có gì cho mình ăn đi!”. “Ồ, bộ đội. Bộ đội lên nhà đi!”. Anh đưa tay kéo tôi lên cầu thang rồi nói vọng vào bằng tiếng dân tộc. Rất nhanh, một phụ nữ còn khá trẻ, áo váy gọn gàng lấy nồi, xúc gạo rồi mang ra đầu cầu thang đổ nước trong các quả bầu ra vo gạo. Vào nhà, tôi thấy đồ đạc tuy không nhiều nhưng đều còn khá mới được xếp đặt rất gọn gàng. Đặt ba lô xuống sàn nhà, tôi hỏi anh: “Đồng bào là người dân tộc gì?”. “Jrai!” - anh vui vẻ trả lời. Tôi lại hỏi: “Thế làng ta đây là làng gì?”. “Làng Mới!” - anh lại vui vẻ trả lời. Rồi anh dẫn tôi vào ngồi bên bếp lửa đang đỏ hồng đặt ở giữa nhà, nồi cơm đã sôi bốc lên mùi thơm nghít mũi. Lúc này, anh mới cho tôi hay: Bà con ở đây vốn thuộc làng Móc Đen nằm sát đường 19. Năm 1965, Mỹ - ngụy xây dựng căn cứ biên phòng Đức Cơ. Để tạo “hàng rào” bảo vệ, chúng đã lập một loạt “ấp chiến lược” dọc hai bên đường 19 từ chân dốc Chư Bồ kéo lên qua khu vực căn cứ và dồn hàng nghìn đồng bào ở các nơi vào ở. Đã nhiều lần, bà con bỏ về làng cũ nhưng lại bị chúng bắt lại. Tháng 8-1972, bộ đội tiến đánh Đức Cơ, được các cán bộ cơ sở và du kích tuyên truyền, hỗ trợ, bà con đã nổi dậy phá “ấp chiến lược” trở về làng cũ; một số bà con vì sợ địch bắt lại đã ra vùng giải phóng lập làng mới và được cách mạng giúp đỡ sản xuất, ổn định cuộc sống. Vì cha mẹ đã mất, anh theo một người bà con về đây sinh sống và mới đây được một cô gái làng xinh đẹp yêu thương “bắt” làm chồng. Có lẽ do đã được tiếp xúc với bộ đội giải phóng mà khi tôi đến, vợ chồng anh đã có cảm tình ngay.

Cơm cạn, chị vợ cời than bắc nồi cơm xuống. Anh chồng lấy con dao với miếng thịt thú rừng treo trên giàn bếp cắt ra một miếng bằng nửa bàn tay xâu vào cái que đã vót nhọn, rồi bằng những động tác rất điêu luyện, anh xoay qua xoay lại trên than hồng, mỡ từ miếng thịt chảy ra rơi xèo xèo bốc lửa, mùi thơm của thịt nướng làm bụng tôi càng thêm cồn cào. Thịt chín, anh lấy miếng lá chuối tươi trong gùi gỡ thịt ra đặt trên vung nồi cơm rồi nhìn tôi nói: “Mình chỉ có thế này thôi. Cơm chín rồi đó, bộ đội ăn đi”. Tôi mở túi cóc ba lô lấy bát đũa và gói muối trộn ớt, mỳ chính (thức ăn thường có của lính ta hồi đó) sẻ ra một ít để ăn. Biết bà con hiếm muối nên số còn lại chừng lưng bát, tôi gói lại cẩn thận rồi đến trước mặt chị vợ: “Bộ đội còn ít muối, biếu đồng bào ăn cho vui!”. Đưa tay đón gói muối, chị tỏ vẻ ngạc nhiên: “Cho mình hở?”. Tôi gật đầu. Chị nhìn chồng, cả hai cùng cười sung sướng. “Bộ đội ở nhà ăn cơm nhá. Mình đi rẫy đây!” - Anh chồng nói xong, cả hai vợ chồng đi lại lần lượt bắt tay tôi, rồi đeo gùi bước ra cửa.

Đang đói, được ăn cơm nóng gạo nương mới dẻo thơm với thức ăn ngon, ăn vào đến đâu tôi thấy người khỏe ra đến đấy. Ăn cơm xong, tôi kéo ba lô gối đầu định nằm nghỉ một chút cho đỡ nắng rồi về. Gió nhè nhẹ mát rượi lan khắp gian nhà, cứ tưởng nằm xuống là ngủ được ngay. Nhưng nằm rồi mà đầu óc tôi cứ nghĩ miên man, hình ảnh những thày thuốc đã chạy chữa cho tôi qua cơn bạo bệnh, sự thật thà trong sáng của vợ chồng người đồng bào lần lượt hiện lên làm tôi không sao ngủ được. Tôi vùng dậy đeo ba lô, khép cửa nhà cẩn thận rồi bước xuống cầu thang, về đơn vị.

Những ngày sau đó, do yêu cầu nhiệm vụ, tôi cùng đơn vị phải liên tục cơ động chiến đấu, công tác trên các địa bàn khác nhau nên chưa có điều kiện quay lại làng Mới.

Đầu năm 1992, có dịp trở lại Đức Cơ công tác, tôi về làng Mới để tìm lại ân nhân. Nhưng đến nơi thì không thấy làng đâu nữa, toàn bộ khu vực này đã là bạt ngàn cao su. Hỏi thăm một công nhân đã luống tuổi thì được anh cho biết: Gần chục năm trước, khi về đây mở đất trồng cao su, anh có thấy một làng của đồng bào dân tộc, cách chỗ đứng đây chừng 500m vào phía trong, nhưng chỉ là dấu tích với những cột nhà xiêu vẹo, còn dân làng thì đã bỏ đi. Biết được sự thật đó, tự nhiên tôi thấy mình hụt hẫng và như có lỗi với bà con.

Năm tháng đã trôi qua, nhưng bữa cơm ở nhà anh chị người Jrai hôm ấy sẽ mãi mãi là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời chiến đấu của tôi.

Hùng Tấn