“Brexit mềm”
Vì sao? Đây quả thực là vấn đề rất lớn bởi từ lâu EU là một nền kinh tế hội nhập sâu rộng và phụ thuộc lẫn nhau về nhiều mặt. Khi tách khỏi EU (còn gọi là kế hoạch Brexit), Anh phải đàm phán với EU về hợp tác của hai bên trong tương lai – như một nước muốn gia nhập một thể chế đã định sẵn.
Khó hơn nữa, Chính phủ Anh phải thống nhất quan điểm nội bộ về chính sách của mình trong kế hoạch tách khỏi EU. Chính vì còn có những bất đồng mà vừa rồi có tới 6 quan chức chính phủ từ chức trong chưa đầy một tuần để phản đối kế hoạch Brexit bị coi là “quá mềm” của Chính phủ.
Chính phủ của bà May đã quyết định hướng đi "mềm" bằng việc chính thức công bố Sách Trắng Brexit. Cuốn sách nêu rõ những đề xuất của Anh nhằm thiết lập nền tảng cho mối quan hệ giữa Anh và EU trong tương lai về kinh tế, thương mại và an ninh thời hậu Brexit.
“Sách trắng” đề xuất duy trì một “bộ quy tắc chung” đối với tất cả hàng hóa trong quan hệ thương mại với EU. Cụ thể, Anh sẽ ký với EU một hiệp định “tuân thủ hài hòa” những quy định về thương mại của khối - Quốc hội Anh sẽ có quyền giám sát, quyết định điều chỉnh áp dụng các quy định.
Thông qua đề xuất này, Anh mong muốn vừa tiếp cận được khu vực tự do thương mại EU, vừa có quyền tự quyết đối với các chính sách thương mại độc lập.
“Sách Trắng” cũng cho thấy Anh đã từ bỏ các kế hoạch duy trì quan hệ gần gũi với EU trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của châu Âu. Về an ninh, Anh muốn xây dựng một hiệp ước mới, tiếp tục được chia sẻ dữ liệu về an ninh cũng như về các hành khách hàng không với EU.
Mọi việc tưởng đã xong nhưng cần lưu ý đó mới chỉ là đề xuất của phía Anh. EU hiện chưa có phản ứng ủng hộ hay phản đối đề xuất này. Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU Michel Barnier chỉ nói một cách thận trọng rằng “sẽ phân tích các đề xuất” của Anh. Trong khi đó, một số nhà ngoại giao châu Âu dù hoan nghênh việc Anh cuối cùng cũng đưa ra đề nghị rõ ràng hơn, song cho rằng “chặng đường phía trước còn rất dài”; Chính phủ Anh cần phải làm rất nhiều việc…
Cả EU và Anh đều đặt mục tiêu đạt được một thỏa thuận về Brexit trong tháng 10 năm nay để bảo đảm đủ thời gian cho các cơ quan lập pháp hai bên thông qua trước thời điểm Anh rời EU vào cuối tháng 3-2019.
Việc hai bên không đạt được một thỏa thuận về Brexit được cảnh báo có thể sẽ kéo theo những biến động lớn về kinh tế nằm ngoài mong muốn của cả hai bên. Chính vì lẽ đó, "Brexit mềm" sẽ được EU sớm ủng hộ bởi bên gặp khó khăn sẽ là Anh chứ không phải EU trong tiến trình này.
Hưng Nguyễn