(Báo tháng) - Ngày 1-4-2019 là một ngày buồn và tuyệt vọng cho bà Theresa May - Thủ tướng Anh, vì cả bốn phương án Brexit tạm được coi là “khả thi” do bà đề xuất đều đã bị Quốc hội Anh bác bỏ.

Từ một người vốn được truyền thông xứ sở sương mù ca tụng là hậu duệ xứng đáng của “người đàn bà thép” M. Thatcher, được lịch sử trao trọng trách lớn lao là đưa nước Anh ra khỏi EU và tiến hành những cải cách cần thiết nhằm vực lại nền kinh tế của quốc gia này trong cơn suy thoái; giờ đây bà T. May đã trở thành mục tiêu cho những đảng phái đối lập với bà chế giễu. Xã hội Anh cũng trở nên bất đồng xung quanh vấn đề Brexit.

Nếu bình tĩnh nhìn lại sự phát triển cũng như nguồn gốc của hiện tượng Brexit, chúng ta sẽ thấy sai lầm không phải do bà May hay bất cứ ai, mà vấn đề cốt lõi nằm ở thể chế dân chủ tự do bầu cử của phương Tây nói chung và nước Anh nói riêng. Hay nói đúng hơn người Anh đang phải nếm những trái đắng mà họ từng tưởng là ngọt ngào, kì diệu từ nền tự do dân chủ của mình.

Trong thể chế dân chủ phương Tây, thì mỗi người dân được trao một phiếu bầu, tức tất cả mọi người đều có quyền lực chính trị ngang nhau. Trong thể chế đó thì người ăn xin ngoài đường cũng có quyền lực chính trị ngang với một vị doanh nhân thành đạt...

Rất dễ hiểu là để lá phiếu “bình đẳng” thì điều kiện tiên quyết là ít nhất đa số người dân tham gia bỏ phiếu phải có tư tưởng, văn hoá, trình độ học vấn và trí thức ngang nhau. Chỉ khi ấy những quyết định chính trị được định đoạt bởi lá phiếu của hàng chục triệu người mới có khả năng trở thành hiện thực và có tính hiệu quả cao.

Cơ chế phổ thông đầu phiếu này của nước Anh hoạt động khá hiệu quả trong vòng khoảng nửa thế kỉ kể từ sau khi nước Anh chuyển từ chế độ Quân chủ chuyên chế sang Quân chủ lập hiến. Vậy nhưng, từ những năm 80 trở lại đây do làn sóng nhập cư từ những quốc gia thuộc địa của Anh ở châu Phi, Ấn Độ, các nước Ả Rập... đã làm “lệch” mặt bằng nhận thức của nước Anh. Người gốc Anh, da trắng có trình độ dân trí cao, quen với lối sống văn minh hiện đại theo Thiên Chúa giáo đã dần bị thay thế bởi những người nhập cư có trình độ dân trí thấp, văn hoá lạc hậu và theo Hồi Giáo (hoàn toàn trái ngược với Thiên Chúa giáo). Chính sự nhập cư bừa bãi và không chọn lọc này đã tạo ra những khu dân cư biệt lập ngay trong lòng nước Anh; kéo theo đó là sự chia rẽ trong tư tưởng, trình độ dân trí và cuối cùng là những quyết định chính trị trọng đại.

Những người Anh gốc da trắng độ tuổi từ trung niên cho tới già và tầng lớp công nhân, lao động cảm thấy không thể chấp nhận sống chung với những người nhập cư quá khác biệt với họ cả về văn hoá lẫn ngôn ngữ; nên họ đã dần di cư ra khỏi các đô thị lớn của Anh và tập trung sống ở các vùng quê và ngoại ô. Ngược lại người nhập cư và thế hệ trẻ dễ tiếp thu những nét văn hoá mới và ít bảo thủ hơn thì về sống ở thành phố. Cứ như thế trong hàng chục năm vết sẹo chia cắt nước Anh ngày một lớn dần lên.

Đối với nước Anh thì việc gia nhập liên minh Châu Âu được coi như nhát dao cuối cùng chém đôi đất nước vốn dĩ đã đầy rẫy nhưng sự chia rẽ như vết thương đang mưng mủ. Bởi trong cuộc “kết hôn” này thì người được lợi là thành phần nhập cư, thế hệ trẻ của Anh sống ở các đô thị lớn; vì họ được tự do đi lại, làm ăn, giao thương với toàn bộ khối EU một cách dễ dàng. Ngược lại, tầng lớp công nhân, lao động, trung niên và người già chiếm hơn 50% dân số Anh thì lại là những người bị thiệt hại nhất vì mất việc làm do chính sách tự do nhập cảng hàng hoá trong khối EU tràn vào nước Anh, tiêu diệt hết ngành sản xuất vốn dĩ đã què quặt của mình. Cứ như thế, cuộc trưng cầu dân ý Brexit vào năm 2016 như một kết cục định mệnh với nước Anh.

Thế nhưng, đi cũng không phải dễ, vì tỉ lệ của những người ủng hộ Brexit chỉ là 51,89% mà thôi, tức chỉ quá bán gần 2%. Và đương nhiên còn lại 48,11% dân số nước Anh phản đối Brexit - lực lượng hùng hậu không kém gì phe ủng hộ Brexit đã chống lại bằng quyền lực chính trị, truyền thông, báo chí và phiếu bầu, gây sức ép lên các nghị sĩ quốc hội Anh bằng mọi giá phải trì hoãn hay cản trở tiến trình Brexit do bà Thủ tướng May đề xuất; thậm chí họ còn yêu cầu phải tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý Brexit lần hai.

Ở một hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan như thế này, thì liệu bà May có thể làm được gì trong khi sức ép từ hai phe ủng hộ lẫn phản đối Brexit đều quá lớn. Nếu đi theo phe phản đối Brexit thì bà May sẽ bị coi là phản bội lại lời hứa tranh cử của mình, ngược lại thì lại gặp sự chống đối dữ dội của nửa số dân còn lại.

Tiến trình dân chủ của nước Anh vốn dĩ được coi là để tìm sự đồng thuận tự nguyện giữa hai phe, giờ đây đã thành cuộc nội chiến chính trị trong đó cả hai phe chỉ nghĩ tới lợi ích của cá nhân mình, mà không nghĩ tới lợi ích và tương lai của đất nước, nếu như tiến trình Brexit vẫn bị mắc kẹt.

Nhìn rộng ra hơn, chúng ta thấy việc dùng lá phiếu của mỗi người dân để quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia là không thực tế, thậm chí phản tác dụng - Mà nó phải được trao cho “Bộ Tham mưu” với những người lãnh đạo được trang bị kiến thức, chuyên môn đủ để nhìn nhận đúng, sai, quyết đoán nhằm bảo toàn lợi ích cho đất nước.

Có thể trong tương lai bà May sẽ lại từ chức như người tiền nhiệm của mình, để người dân nước Anh lại bầu ra một Thủ tướng mới. Thế nhưng bóng ma Brexit vẫn sẽ còn đó, khiến nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, trì trệ mà không lối thoát.

Hoàng Nguyễn