Bông hoa đẹp rừng Yên Bái
Quả đúng vậy, chị Phạm Thị Long cho biết: Thịnh Hưng là cửa ngõ của huyện Yên Bình, giáp với hồ Thác Bà và huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Hội CCB xã có 265 hội viên, sinh hoạt ở 10 chi hội thôn, bản. Để giúp nhau làm kinh tế, Hội tranh thủ mọi nguồn lực, như vay Ngân hàng CSXH, vốn hộ nghèo, cận nghèo, vốn tạo việc làm cho hội viên vay; phối hợp mở 44 lớp tập huấn kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ cho 420 lượt hội viên. Nay Hội còn 6 hộ hội viên nghèo, số hộ khá và giàu tăng từ 140 lên 174 hộ; xóa 8 nhà dột nát cho hội viên chống Pháp, hội viên nghèo và người có công. Nhiều hội viên có mô hình kinh tế hiệu quả như: HTX dịch vụ tổng hợp của hội viên Lê Tiền Phương (chi hội thôn Đào Kiều); nuôi bò, nuôi dê, cá lồng, cá quây lưới, trồng rừng... thu nhập mỗi năm trên 130 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 11 lao động. Tổ hợp tác của hội viên Nguyễn Ngọc Châm (chi hội thôn Liên Hiệp); trồng rừng, chế biến gỗ, nuôi lợn, gà thả vườn; hằng năm thu lãi từ 100-120 triệu đồng, có 5-8 lao động. Với những mô hình VACR, chăn nuôi trâu, bò, lợn, thả cá, trồng rừng... các CCB Trần Trọng Thông-chi hội trưởng, Phạm Đức Kết, Phạm Đình Ninh (thôn Suối Chép), có thu nhập từ 100-120 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3-5 lao động... Hội vận động hội viên ủng hộ các Quỹ “Thiên tai bão lũ”, “Khuyến học”, “Vì người nghèo” trên 27,5 triệu đồng; hiến 200m2 đất, tham gia làm 3km đường giao thông nông thôn.
Năm 2015 xã Thịnh Hưng (nòng cốt là Hội CCB) ký hợp đồng với Hội CCB tỉnh, triển khai mô hình: Cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trong gia đình, thời gian 18 tháng, quy mô 85 con bò cái sinh sản cho 60 gia đình CCB và nhân dân chăn nuôi. Mục tiêu là giúp CCB và nông dân cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và phát triển chăn nuôi gia súc, lấy thịt theo hướng trang trại và sản xuất hàng hóa; góp phần cải tạo chất lượng đàn bò địa phương; nâng cao năng suất, chất lượng thịt, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người chăn nuôi và bảo vệ môi trường. Mô hình được hỗ trợ hơn 187 triệu đồng cho 85 con bò của 60 gia đình nuôi. Kết quả đàn bò sinh được 85 bê con, nâng tổng số đàn bò trong toàn xã lên 370 con. Đồng thời chất lượng đàn bò thay đổi rõ rệt, bò lai to, khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Bà con nắm được kỹ thuật chăm sóc và chọn giống bò; một con bê lai sau 3 tháng đạt trọng lượng trên dưới 100kg, giá bán 15-16 triệu đồng.
Những kết quả trên khẳng định phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi’’ tiếp tục được phát huy và phát triển về chiều rộng và chiều sâu. Đồng thời sức lan tỏa ở tất cả các lĩnh vực sản xuất, nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Phong trào trở thành điểm nhấn trong đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương, mà Hội CCB xã Thịnh Hưng như một bông hoa đẹp của núi rừng Yên Bái.
Nguyễn Văn Lợi