Bóng đá Việt Nam mong 'Rắn' phất hơn 'Rồng' (12/02/2013)
Bước sang năm con rắn, hy vọng mọi thứ sẽ sáng sủa hơn. Bóng đá đã trở thành điểm nhấn của thể thao nước nhà trong năm 2012. Từ sự ra đời một cách vội vã của VPF, cuộc chiến bản quyền truyền hình, cuộc khủng hoảng ở các CLB, trước khi khép lại bằng thất bại ê chề của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup, bóng đá thực sự là một điểm nhấn buồn trong bức tranh toàn cảnh thể thao Việt Nam năm 2012.
Câu chuyện thành lập VPF cho đến giờ vẫn còn nóng hổi. Sự ra đời của công ty này là tất yếu của một nền bóng đá đang tiến lên chuyên nghiệp. Những nước có nền bóng đá phát triển mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đều đi theo mô hình này và đang rất thành công. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại khác, sự ra đời của VPF chính là cuộc “khởi nghĩa” của các ông bầu, sau những gì mà VFF chưa làm tốt trong khâu quản lý, điều hành.
Cũng vì có sự mâu thuẫn từ bản chất đó, mà ngay khi VPF được thành lập, VFF và VPF đã thể hiện sự đối lập sâu sắc, được minh chứng bằng cuộc chiến bản quyền truyền hình kéo dài kỷ lục, đã khiến giải đấu bị bỏ bê. VPF trong ngày thành lập đã tô vẽ đủ thứ về sự phát triển của các giải đấu chuyên nghiệp mà công ty này điều hành, nhưng sau một năm, V-League đang “tan hoang” vì nhiều ông bầu bỏ bóng đá. Trước đó, vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ... vẫn diễn ra. Cho đến giờ, nhiều người cho rằng, việc VFF chịu nhún bước để đồng ý cho ra đời VPF là một sai lầm, bởi chẳng có giải đấu nào lại được điều hành bởi những ông bầu có chân trong Hội đồng quản trị VPF như V-League.
Bỏ qua câu chuyện VPF đã trở nên quá nhàm chán, một câu chuyện còn nóng hơn, thời sự hơn, chính là cuộc khủng hoảng tài chính ở bóng đá Việt Nam. Cuộc khủng hoảng này đang gây tác động nặng nề tới mọi mặt của đời sống bóng đá nước nhà. V-League lần đầu tiên đã phải lùi ngày khai mạc đến hơn hai tháng để tạo điều kiện cho các đội khắc phục khó khăn. Thế nhưng, đó chẳng phải là giải pháp hiệu quả bởi nguy cơ các đội giải tán vẫn rất lớn.
Nguyên nhân không chỉ bởi sự khủng hoảng kinh tế, mà đến từ chính cách làm ăn xổi của các ông bầu. Bóng đá Việt Nam vỡ tan như bong bóng xà phòng, chính từ bệnh thành tích, không bài bản như thế.
Ở CLB đã vậy, trên đội tuyển mới thực sự là nỗi thất vọng lớn. Đội tuyển Việt Nam đã phải chia tay AFF Cup ngay từ vòng bảng, với màn thể hiện không thể tệ hơn về cả lối chơi và tinh thần thi đấu. Đáng buồn là không chỉ có các lãnh đạo quản lý tìm cách đổ lỗi cho HLV, mà không ít cầu thủ cũng đã xem nhẹ màu cờ sắc áo.
Thất bại của đội tuyển cùng những câu chuyện cười ra nước mắt với bóng đá nước nhà trong năm qua, đã tạo nên một bức tranh không thể tối màu hơn trong bức tranh tổng thể của nền thể thao nước nhà. Năm 2013 tiếp tục được dự báo sẽ có nhiều khó khăn với bóng đá Việt Nam, nhưng ít nhất ở thời điểm này, những người làm công tác quản lý, điều hành và cả người hâm mộ, đã tìm thấy những lối thoát.
Sự kiện VPF bỏ tiền tỷ để thuê chuyên gia người Nhật Bản nhằm tái thiết V-League, cho thấy VPF đang quyết tâm như thế nào.
Sau một năm khủng hoảng, có tới 8 CLB mất tên, bóng đá Việt Nam đang trở lại giá trị thực. Ở đó, lương thưởng, lót tay của các cầu thủ sẽ không còn là những cái giá trên trời. Những bài học, cũng giúp các đội bóng tỉnh táo hơn, không ăn xổi, mà làm bóng đá một cách bài bản, mang tính bền vững, cụ thể là làm tốt từ khâu đào tạo trẻ. V-League chỉ còn 12 đội, hạng Nhất còn 8 đội, chưa chắc đã khiến giải đấu kém phần hấp dẫn. Thậm chí ít đội lại hay vì bóng đá Việt Nam sẽ đỡ bát nháo hơn.
Còn ở trên tuyển, màn ra mắt của thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc thực sự là ấn tượng và đã nhen lên niềm tin nơi người hâm mộ. Đội tuyển đã có một bộ mặt mới và nếu cứ thể hiện như thế, người hâm mộ sẽ không bao giờ quay lưng. Năm rắn với bóng đá Việt Nam sẽ “phất” nếu như cuối năm nay, U23 cùng đội tuyển nữ giành ngôi vô địch SEA Games 26. Tất nhiên, đó vẫn chỉ là một giấc mơ rất xa (với bóng đá nam) và ngay từ lúc này, tất cả phải nỗ lực hết sức.
Theo Vnexpress (TH)