Bóng đá Việt - 20 năm chỉ 1 lần lên ngôi (02/12/2012)

Năm 1991. SEA Games 16. Thành tích: Vòng bảng.

Đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên dự SEA Games 16 ban đầu gồm phần lớn là cầu thủ các đội bóng phía Nam (Cảng Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Quan). Sau khi xảy ra sự cố 11 trong 14 cầu thủ thuộc các đội này đào ngũ (trong đó có Phan Thanh Hùng, Đặng Trần Chỉnh), đội được bổ sung các cầu thủ CLB Quân đội và thay HLV là ông Nguyễn Sĩ Hiển. Tại giải này, Việt Nam chỉ có một điểm sau trận hòa 2 - 2 với chủ nhà Philippines, thua Indonesia 0 - 1, thua Malaysia 1 - 2.

Năm 1993. SEA Games 17. Thành tích: Vòng bảng.

SEA Games 17 tại Singapore, tuyển Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV Trần Duy Long. Thành phần của đội có các hảo thủ như Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hồng Sơn (CLB Quân đội), Hà Vương Ngầu Nại, Lư Đình Tuấn (Cảng Sài Gòn), Lê Huỳnh Đức (CA TP HCM). Việt Nam cũng dừng bước ở vòng bảng sau một trận thắng trước Philippines với tỷ số 1 - 0, để thua hai trận trước Indonesia (0 - 1) và Singapore (0 - 2).

Năm 1995. SEA Games 18. Thành tích: Huy chương bạc.

Dưới sự dẫn dắt của HLV ngoại đầu tiên Karl Heiz Weigang, tuyển Việt Nam với thành phần "thế hệ vàng" Mạnh Cường, Văn Cường, Công Minh, Đỗ Khải, Hữu Thắng, Hoàng Bửu, Hồng Sơn, Hữu Đang, Minh Chiến, Huỳnh Đức, Quốc Cường... đã gây tiếng vang lớn, thắng Malaysia, Indonesia, Campuchia ở vòng bảng, và chỉ chịu thua Thái Lan. Vào bán kết, Việt Nam tiếp tục thắng Myanmar (lúc đó là đội mạnh trong khu vực). Do tổn thất lực lượng quá lớn (thiếu vắng nhiều trụ cột như Huỳnh Đức, Minh Chiến... do thẻ phạt và chấn thương), tuyển Việt Nam dễ dàng bị Thái Lan đè bẹp bằng 4 bàn thắng trong trận chung kết.

Năm 1996. Tiger Cup. Huy chương đồng

Vẫn với HLV người Đức Weigang, đội tuyển nằm ở bảng A cùng Indonesia, Myanmar, Lào và Campuchia. Thầy trò ông Weigang khởi đầu thuận lợi bằng chiến thắng 3-1 trước Campuchia, rồi gây thất vọng khi để Lào thủ hoà 1-1 ở lượt đấu thứ hai. Sau trận hoà này, HLV Weigang đã chỉ trích 3 trụ cột chơi thiếu tích cực và định đuổi họ về nước. Tuy nhiên, trưởng đoàn Tô Hiền đứng ra bảo lãnh và giải quyết êm thấm sự việc. Trận sau, tuyển ViệtNamthắng tưng bừngMyanmar4-1, hoà Indonesia1-1, giành quyền vào bán kết với 8 điểm sauIndonesia(10 điểm). Vòng bán kết, tuyển Việt Nam thua Thái Lan 2-4 và ở trận tranh giải Ba sau đó, thầy trò Weigang đã đem về chiếc huy chương đồng khi vượt qua Indonesia với tỷ số 3-2.

Năm 1997. SEA Games 19. Thành tích: Huy chương đồng.

Bóng đá Việt Nam tiếp tục khẳng định là một thế lực trong khu vực. Dù để thua trận đầu 0-1 trước Malaysia, đội tuyển hòa Indonesia và thắng Lào, Philippines để giành vé bán kết. Thua Thái Lan ở bán kết, Việt Nam giành huy chương đồng khi thắng Singapore bằng bàn thắng duy nhất của Nguyên Chương.

Năm 1998. Tiger Cup. Thành tích: Huy chương bạc.

Giải đấu được tổ chức ngay tại Việt Nam. HLV người Áo Riedl đã cùng đội tuyển thắng tưng bừng trận khai mạc với tuyển Lào bằng tỷ số 4-1, tiếp đó là trận hoà không bàn thắng với Singapore. Ở trận đấu cuối, chỉ thắng Malaysia với tỷ số tối thiểu (1-0), tuyển Việt Nam chịu thua Singapore ở chỉ số phụ, xếp nhì bảng và buộc phải gặp Thái Lan - đội nhất bảng B. Bất ngờ đã xảy ra ở bán kết khi tuyển Việt Nam vượt qua Thái Lan với tỷ số đậm 3-0, lọt vào chung kết gặp Singapore. Khi tất cả người hâm mộ đều ngất ngây men say chiến thắng, trong trận đấu tại sân Hàng Đẫy, tuyển Việt Nam đã để tuột Cup vàng sau khi trung vệ Sasi Kumar của Singapore dùng lưng ghi bàn thắng duy nhất ở phút 71.

Năm 1999: SEA Games 20. Thành tích: Huy chương bạc.

Lần đầu tiên Việt Nam hòa Thái Lan 0-0 ở vòng bảng. Với vị trí nhì bảng A, Việt Nam đá bại Indonesia 1-0 ở bán kết. Gặp lại Thái Lan ở chung kết, Việt Nam chỉ giành huy chương bạc khi để thua 0-2.

Năm 2000. Tiger Cup. Thành tích: Bán kết.

Tuyển ViệtNamvẫn do ông Riedl làm HLV trưởng nằm ở bảng B cùng Malaysia, Singapore, Campuchia và Lào. Dẫn đầu bảng đấu này với 10 điểm (hoà Malaysia 0-0, thắng Campuchia 6-0, thắng Singapore 1-0 và thắng Lào 5-0), tuyển Việt Nam gặp Indonesia ở bán kết và thua với tỷ số 2-3 sau 120 phút thi đấu. Trong trận tranh huy chương đồng, tuyển ViệtNamtiếp tục để thuaMalaysia0-3. Sau thất bại này, HLV Riedl chia tay tuyển ViệtNam.

Năm 2001. SEA Games 21. Thành tích: Vòng bảng.

Bóng đá Việt Nam có một thời gian sa sút với HLV Silva Dido. Việt Nam chỉ xếp thứ 3 ở bảng A (thua Indonesia, Malaysia, chỉ thắng Brunei 5-1) và đành lỡ hẹn vòng bán kết.

Năm 2002. Tiger Cup. Thành tích: Huy chương đồng.

Tại giải này, tuyển ViệtNam ít được hy vọng nhất bởi nhiều ngôi sao đã giải nghệ, tiêu biểu là Hồng Sơn. Bất ngờ, dưới sự dẫn dắt của HLV Calisto, tuyển Việt Nam dẫn đầu bảng B với 10 điểm (thắng Campuchia 9-2, thắng Philippines 4-1, hoà Indonesia 2-2, thắng Myanmar 4-2). Tại bán kết, tuyển Việt Nam thua Thái Lan 2-4. Thầy trò Calisto đem về chiếc huy chương đồng thứ 2 sau khi thắng Malaysia với tỷ số 2-1.

Năm 2003. SEA Games 22. Thành tích: Huy chương bạc.

Trong kỳ SEA Games được tổ chức chính tại Việt Nam, đội tuyển rơi vào bảng tử thần. Tuy nhiên, các cầu thủ trẻ Văn Quyến, Công Vinh, Thanh Bình, Quốc Vượng, Tài E... đã cầm hòa được Thái Lan, vượt qua Indonesia để vào bán kết. Ở bán kết, Việt Nam tiếp tục thắng Malaysia với tỷ số 4-3 bằng bàn thắng phút 90 của Thanh Bình. Gặp Thái Lan ở chung kết, tuyển Việt Nam không phá nổi dớp về nhì, để thua 1-2.

Năm 2004. Tiger Cup. Thành tích: Vòng bảng.

Tuy là đồng chủ nhà (cùng Malaysia), nhưng đây lại là một trong những kỳ Tiger Cup tệ hại của tuyển ViệtNam. Được dẫn dắt bởi HLV người Brazil Tavares, đội không lọt vào bán kết khi chỉ được 7 điểm, xếp thứ 3 bảng A (hoà Singapore 1-1, thắng Campuchia 9-1, thua Indonesia 0-3, thắng Lào 3-0). Đây là lần cuối cùng giải vô địch Đông Nam Á mang tên Tiger Cup.

Năm 2005. SEA Games 23. Thành tích: Huy chương bạc.

"Thế hệ vàng 2" nhất bảng B đầy thuyết phục, rồi thắng tiếp Malaysia 2-1 ở bán kết. Lần thứ 8 gặp Thái Lan trong một trận chung kết, Việt Nam vẫn lại về nhì với tỷ số đậm 0-3. Đây cũng là giải đấu tai tiếng với vụ bán độ của các cầu thủ Quốc Vượng, Văn Quyến, Hải Lâm, Bật Hiếu, Văn Trương, Phước Vĩnh, Quốc Anh.

Năm 2007. AFF Cup. Thành tích: Đồng giải ba.

Tuyển Việt Nam giành ngôi nhì bảng B với 5 điểm (hoà Singapore 0-0, hoà Indonesia 1-1, thắng Lào 9-0). Gặp đội nhất bảng A Thái Lan ở bán kết, tuyển ViệtNam thua với tổng tỷ số 0-2 sau hai lượt trận và nhận đồng giải ba.

Năm 2007. SEA Games 24. Thành tích: Bán kết.

Nhất bảng B sau 2 trận thắng, 1 trận thua, Việt Nam bất ngờ gây thất vọng bởi việc để thua Myanmar ở bán kết sau loạt đá luân lưu, rồi trắng tay rời SEA Games sau khi thua Singapore 0-5 ở trận tranh huy chương đồng.

Năm 2008. AFF Cup. Thành tích: Vô địch.

Tuyển ViệtNamđược dẫn dắt bởi HLV Calisto, nằm ở bảng B cùng chủ nhàThái Lan,Malaysiavà Lào. Kết thúc vòng bảng, Việt Nam được 6 điểm (thua Thái Lan 0-2; thắng Malaysia 3-2; thắng Lào 4-0), đứng nhì bảng B giành quyền vào bán kết gặp Singapore.

Trận bán kết lượt đi (sân Mỹ Đình), tuyển Việt Nam hòa Singapore 0-0 đầy nuối tiếc. Ở trận lượt về, dù phải thi đấu trên sân khách nhưng các cầu thủ Việt Nam đã xuất sắc giành chiến thắng 1-0 bước vào chung kết với Thái Lan.

Trận chung kết lượt đi trên đất Thái, đội Việt Nam bất ngờ thắng đối thủ mạnh với tỷ số 2-1. Với lợi thế này, người hâm mộ tràn đầy hy vọng tuyển Việt Nam sẽ làm nên chuyện. Trong trận lượt về trên sân Mỹ Đình, Thái Lan dẫn Việt Nam 1-0 cho đến tận những phút bù giờ. Công Vinh đã có khoảnh khắc lóe sáng với bàn thắng gỡ hòa 1-1 quý như vàng. Việt Nam lần đầu vô địch Đông Nam Á.

Năm 2009. SEA Games 25. Thành tích: Huy chương bạc.

Thắng như chẻ tre ở vòng bảng rồi bán kết, Việt Nam vào chung kết gặp lại Malaysia - đối thủ từng thua họ 1-3 ở vòng đấu bảng. Ra sân với đội hình mạnh nhất, được chỉ đạo bởi phù thủy Calisto và hừng hực khí thế sau khi đã lần đầu vô địch Đông Nam Á năm 2008, đội tuyển Việt Nam đã bị đối thủ Malaysia làm cho bất ngờ. Đội bạn hoàn toàn lột xác, thể hiện một lối chơi lấn lướt với thể lực vượt trội, không ngại va chạm. Một lần nữa Việt Nam lại về nhì với thất bại 0-1.

Năm 2010. AFF Cup. Thành tích: Bán kết.

Việt Nam là đồng chủ nhà cùng Indonesia. Thái Lan gây sốc khi bị loại ở vòng bảng. Việt Nam, tuy dẫn đầu bảng B nhưng đã để thua Malaysia 0-2 ở bán kết. Đội này sau đó đánh bại Indonesia với tổng tỷ số 4-2 để lên ngôi vô địch.

Năm 2011. SEA Games 26. Thành tích: Bán kết.

SEA Games 26 với đoàn thể thao Việt Nam thành công ngoài mong đợi. Nhưng với bóng đá, đây là một giải buồn. Đội U23 Việt Nam với HLV Falko Goetz trắng tay rời giải, sau khi bị U23 Myanmar đánh bại tới 4-1 trong trận tranh huy chương đồng - trận đấu bị gọi là "thua bạc nhược". Tại giải này, vấn đề tâm lý và nhiệt huyết thi đấu cũng đã được đặt ra.

Năm 2012. AFF Cup. Thành tích: Vòng bảng.

Đội Việt Nam của HLV nội Phan Thanh Hùng bước vào giải với hứa hẹn sẽ vào tới trận chung kết. Tuy nhiên, đội đã nhanh chóng bị loại từ vòng bảng với thành tích nghèo nàn: Hòa Myanmar 1-1, và thua cả Philippines lẫn Thái Lan. Ngoài kết quả, đội tuyển bị cho là thi đấu với tinh thần bạc nhược, và có những dấu hiệu mâu thuẫn nội bộ.

Quỳnh Anh (TH)