Bóng đá nữ Việt Nam: Gập ghềnh đường đến World Cup 2015
Lần đầu tiên, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam có cơ hội góp mặt ở World Cup (2015). Thông thường, châu Á có 5 suất dự World Cup (2015), vốn luôn thuộc về 5 “đại tỉ” Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, CHDCND Triều Tiên. Nhưng ở VCK World Cup 2015, CHDCND Triều Tiên bị cấm tham dự, do cầu thủ dùng doping ở World Cup 2011, nên chiếc vé thứ 5 sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Việt Nam, Thái Lan và Mi-an-ma.
Trong khi đội tuyển của Mi-an-ma, Thái Lan về cơ bản đã sẵn sàng cho giải đấu quan trọng này, thì sang tháng 3, đội tuyển nữ Việt Nam phải một tháng sau mới bước vào các chuyến tập huấn!
Để bổ sung lực lượng cho đội tuyển quốc gia, HLV Trần Vân Phát đang có mặt ở sân Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) theo dõi Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2014. Nhưng giải lại chỉ có sự tham dự của 6 đội: Đương kim vô địch Hà Nội I, TP Hồ Chí Minh, Phong Phú Hà Nam, Than Khoáng sản Việt Nam, Gang Thép Thái Nguyên và Hà Nội II. Các đội bóng sẽ thi đấu theo thể thức vòng tròn 2 lượt ở sân Thống Nhất và sân Nha Trang để tính điểm xếp hạng.
Hiện nay giải đang diễn ra ở sân Thống Nhất, nhưng khán giả lèo tèo vài trăm người/trận. Quả là buồn! Đáng lo hơn là, khi HLV Trần Vân Phát chỉ có thể chọn ra những gương mặt ưu tú cho đội tuyển quốc gia từ 6 đội bóng thì thực chất chỉ được chọn ở 4 đội, vì Hà Nội II gồm các cầu thủ trẻ của bóng đá Thủ đô, vốn là quân xanh cho Hà Nội I tập sút. Còn Gang thép Thái Nguyên do rất hạn hẹp về kinh phí nên không ổn định, khó mà tìm được những cầu thủ có chân sút tốt cho đội tuyển quốc gia. Lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tính tạo điều kiện cho Gang thép Thái Nguyên không rút lui khỏi giải vô địch quốc gia bằng việc mời đội này lên Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ của VFF để giúp đỡ một phần nơi ăn, ở, sân tập luyện…!
Còn nhớ ba năm trước, ở Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2011, VFF phải hỗ trợ kinh phí cho cả 6 đội dự giải (Gang thép Thái Nguyên và Phong Phú Hà Nam mỗi đội nhận 80 triệu đồng. Hà Nội I, Hà Nội II, TP Hồ Chí Minh và Than khoáng sản Việt Nam, mỗi đội nhận 50 triệu đồng). Giải năm nay, Hà Nội I và TP Hồ Chí Minh đều nhận được từ nhà tài trợ khoản kinh phí lớn. Thậm chí đội bóng đá TP Hồ Chí Minh còn được treo thưởng cho chức vô địch 200 triệu đồng. Con số này không bằng tiền thưởng cho một trận thắng ở V-League nhưng cũng đã “rất thơm” ở giải đấu của nữ.
Cách đây 13 năm, VFF tiến hành hội thảo bóng đá nữ, đặt mục tiêu giải vô địch quốc gia phải có 10 đội trở lên. Trong đó, hai địa phương mạnh về bóng đá nữ là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi nơi phải có hai đội trở lên. Vậy mà hơn một thập kỷ sau, giải chỉ còn 6 đội. Các đội của tỉnh Lâm Đồng, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Long An không những không được củng cố mà còn giải tán.
Dù còn 5 hay 6 đội, thì Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia vẫn phải diễn ra. Và tháng 5 tới, đội tuyển nữ quốc gia vẫn sẽ dự tranh VCK ASIAN Cup 2014. Trong khi Mi-an-ma có chiều sâu về thể lực lẫn kỹ chiến thuật. Còn Thái Lan, đương kim vô địch SEA Games đã lên kế hoạch chi tiết, hướng đến mục tiêu đoạt vé dự World Cup từ hai năm nay. Cho dù chính trường trong nước đang bất ổn, nhưng đội tuyển thì vẫn miệt mài luyện công. Đặc biệt, Thái Lan đã có một vài cầu thủ đá thuê ở Giải bóng đá nữ nhà nghề Nhật Bản. Nổi bật là tiền đạo Seesraum, cầu thủ ghi bàn gỡ hòa 1-1 trong trận chung kết SEA Games 27 trước đội tuyển Việt Nam, sang Nhật đá một năm nay.
Lần này nếu thầy trò HLV Trần Vân Phát giành được vé tới Can-na-đa thì đó sẽ là cột mốc lịch sử của bóng đá nước nhà.
Bài và ảnh: Minh Minh
Box: Không phải VFF không có sự đầu tư, quan tâm hỗ trợ cho các địa phương trong việc xây dựng, đào tạo và phát triển bóng đá nữ. Nhưng với những sai lầm mang tính hệ thống trong cách làm, đã khiến bóng đá nữ một số địa phương dần chìm vào quên lãng.