Bốn biện pháp để “sống chung” với dịch Covid-19
Tiêm vắc-xin là biện pháp chống dịch hiệu quả nhất.
Với tình hình dịch Covid-19 trong nước có chiều hướng khó lường, việc quay lại một trạng thái bình thường mới càng nhanh càng tốt chắc chắn sẽ là ưu tiên số một của công cuộc chống dịch. Vậy những biện pháp nào sẽ giúp Việt Nam “trở lại trạng thái bình thường” để không chỉ vượt qua dịch, mà còn có thể ngăn ngừa dịch bùng phát, lại duy trì được phát triển kinh tế - xã hội?
1. Tâm lý cảnh giác, sẵn sàng “sống chung” với dịch
Khi mà dịch tại nhiều nước trên thế giới vẫn đang căng thẳng với sự xuất hiện của những biến thể của virus nCoV, chắc chắn đại dịch Covid-19 sẽ còn là một thách thức lớn cho Ngành Y tế toàn cầu nói chung, nước ta nói riêng, ít nhất là trong tương lai gần. Chính vì thế mà không thể kéo dài tâm lý “đóng cửa, phong tỏa thì mới an toàn”.
Tại những nước phát triển như Mỹ và các nước châu Âu, cuộc sống “bình thường mới” đã được thiết lập lại từ khá lâu. Trẻ em được trở lại trường và các hoạt động kinh tế; dịch vụ, thể thao đang được từng bước hoạt động trở lại.
Vì sao? Chưa nói đến độ bao phủ vắc-xin hay hệ thống y tế, mà số đông người dân của những quốc gia này đều có tâm lý chấp nhận đại dịch trở thành một phần của cuộc sống trong những năm tiếp theo. Họ biết mình cần phải làm gì để bảo vệ mình và bảo vệ người thân, như tiêm vắc-xin, đeo khẩu trang, xét nghiệm thường xuyên… Và điều quan trọng là họ được chính quyền tạo điều kiện để tiếp tục những hoạt động bình thường.
Tại Việt Nam sau những đợt chóng dịch thành công, tâm lý người dân có phần chủ quan, nếu như không muốn nói là coi thường các biện pháp phòng, chống dịch. Nhưng đến khi dịch bùng phát trở lại ở một số thành phố lớn thì lại có biểu hiện thái quá, thậm chí hoảng loạn, như những người ngoại tỉnh “chạy trốn” dịch, dẫn đến làm dịch lây lan mạnh hơn.
Vì vậy ngay bây giờ phải tránh cả hai khuynh hướng trên. Nghĩa là không sợ dịch, nhưng phải cảnh giác vả chủ động thực hiện những biện pháp phòng, chống để mỗi người dân có thể tự kiểm soát được dịch.
Các địa phương cũng cần tạo điều kiện cho những hoạt động kinh tế - xã hội được mở cửa trở lại sớm nhất có thể. Nhất là ở những nơi cả nhà cung cấp và người tiêu dùng có thể chứng minh được rằng đã thực hiện những biện pháp ngăn ngừa dịch cần thiết, thì kể cả còn số ca nhiễm, trong điều kiện kiểm soát được vẫn mở cửa với phương châm “sống chung với dịch”. Như thế, chúng ta chống dịch, mà kinh tế không bị đứt gẫy.
2. Nguồn cung và triển khai tiêm vắc-xin
Vắc-xin là biện pháp chống dịch hiệu quả nhất hiện nay. Nhưng hiện tại đang đặt ra 2 vấn đề lớn nhất cho chiến dịch tiêm vắc-xin, là nguồn cung và triển khai tiêm.
Về nguồn cung, cần đẩy mạnh nghiên cứu để sản xuất được vắc-xin trong nước để có thể chủ động, không bị phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Hiện tại cần thúc đẩy công tác “ngoại giao vắc-xin” với các chính phủ khác trên thế giới, kể cả tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước thông qua chính phủ, đàm phán và đặt mua thêm vắc-xin từ các nhà sản xuất. Bằng mọi giá cung cấp đủ vắc-xin đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt.
Đồng thời phải đẩy mạnh việc triển khai tiêm vắc-xin miễn phí, đặc biệt là ở những vùng có dịch. Cần củng cố hệ thống tiêm chủng quốc gia, nâng cao công suất tiêm, hình thức tiêm. Quan trọng hơn, cần gỡ bỏ càng nhiều rào cản càng tốt cho việc tiêm chủng để bảo đảm rằng càng nhiều người được tiêm càng tốt, bởi tiêm vắc-xin là việc không chỉ có lợi ích cho người tiêm mà còn có lợi cho cộng đồng.
Sớm cho phép người dân sau khi tiêm một hoặc hai mũi vắc-xin và F0 khỏi bệnh được phép quay trở lại hoạt đồng và sản xuất bình thường với một số biện pháp phòng, chống dịch riêng, nhằm tránh việc lãng phí nhân lực miễn dịch.
3. Sử dụng công nghệ thông tin
Qua những bất cập khách quan trong chuyện “Hà Nội 40 ngày 4 lần thay đổi giấy đi đường”, chúng ta có thể rút ra bài học về sử dụng công nghệ thông tin làm nền tảng cho công tác chống dịch.
Tại nhiều nước trên thế giới, “chứng nhận vắc-xin điện tử” được cấp ngay sau khi tiêm chủng. Thế nhưng tại Việt Nam, có nhiều trường hợp người dân tiêm phòng xong hai mũi mà thông tin vẫn chưa được cập nhật lên hệ thống, gây bất tiện. Một cơ sở dữ liệu quốc gia đầy đủ và cập nhật về tiêm chủng là hết sức quan trọng và “trong tầm tay” - với nền tảng công nghệ hiện có của nước ta, là điều kiện tốt nhất cho việc quay trở lại các hoạt động kinh tế xã hội bình thường.
Bằng chứng là T.P Đà Nẵng cấp giấy đi đường điện tử bằng QR Code, đã giúp người dân và các lực lượng chức năng đều tiện lợi hơn trong việc di chuyển và kiểm soát.
Ngoài ra, cũng nên thúc đẩy sử dụng công nghệ thông tin vào những khía cạnh khác của chống dịch, như là khai báo y tế, khai báo điểm đến, khai báo triệu chứng…
4. Các biện pháp chống dịch phải hiệu quả
Chống dịch, đặc biệt là việc phong tỏa, cách ly, là công việc không chỉ tốn kém cho ngân sách nhà nước mà con có ảnh hưởng không tốt đến chất lượng cuộc sống của người dân. Dẫu biết, những biện pháp này là cần thiết, nhưng cần được thực hiện một cách hiệu quả để những hy sinh, mất mát của người dân và nhà nước không lãng phí.
Hơn nữa, chủ động những biện pháp chống dịch ngoài các đợt bùng phát cũng quan trọng không kém. Sau đợt dịch này, cả nước nên tiếp tục xét nghiệm thường xuyên, đặc biệt là với những vùng và đối tượng có nguy cơ cao, nhằm chủ động dập tắt những ổ dịch tiềm tàng.
Ngoài ra, người dân khi trở lại các hoạt động bình thường cũng cần phải tuân theo các biện pháp chống dịch, như đeo khẩu trang, sát khuẩn… Đặc biệt là cần siết chặt biên giới, nhất là biên giới phía tây nước ta, để tuyệt đối không cho các đối tượng nhập cảnh trái phép làm lây nhiễm vi-rút.
Chỉ khi những biện pháp chống dịch khoa học được thực hiện triệt để và có hiệu quá thì nước ta mới có thể trở lại và giữ vững được trạng thái “bình thường mới” để thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra.
TS. Kinh tế Phạm Phong