Bộ trưởng nào sẽ trả lời chất vấn?

  • Biển Đông là vấn đề nóng nhất tại kỳ họp này, vậy ý kiến đại biểu ra sao với việc Thủ tướng trả lời chất vấn?
  • Không có nhiều ý kiến lắm. Một số đại biểu đề nghị và chúng tôi đã báo cáo. Theo thông lệ tại kỳ họp đầu năm, phần trả lời sẽ được ủy quyền cho Phó thủ tướng. Thủ tướng thường đăng đàn ở kỳ họp cuối năm. Lần này, Thủ tướng có trả lời hay giao cho Phó thủ tướng thì phải chờ người đứng đầu Chính phủ có ý kiến.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong Quốc hội

  • Tình hình Biển Đông đang rất căng thẳng, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao có được bổ sung vào danh sách trả lời chất vấn?

  • Một trong các tiêu chí lựa chọn là lĩnh vực đó có vấn đề bức xúc nổi lên, nhiều đại biểu có ý kiến và cũng ưu tiên những trưởng ngành chưa trả lời từ đầu nhiệm kỳ. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải cân đối hài hòa các lĩnh vực kinh tế xã hội, tư pháp. Căn cứ vào đó, đại biểu sẽ trả lời phiếu thăm dò và đoàn Thư ký tổng hợp, lấy số phiếu từ cao xuống thấp, dựa trên các tiêu chí để báo cáo về danh sách Bộ trưởng trả lời chất vấn.

  • Ngành y tế có nhiều vấn đề nổi cộm hai năm qua, nhiều đại biểu đề xuất chất vấn, vì sao Bộ trưởng Y tế không có trong danh sách xin ý kiến đại biểu?
    Kỳ họp họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII sẽ dành 2,5 ngày (từ chiều 10/6 đến hết ngày 12/6) cho việc chất vấn và trả lời chất vấn

  • Y tế là một trong những lĩnh vực có nhiều vấn đề cùng với các ngành Tài chính, Nông nghiệp, Giáo dục... Bộ trưởng Y tế đã nhiều lần trả lời chất vấn và tại phiên họp Thường vụ Quốc hội mới đây phần trả lời chất vấn của Bộ Y tế đã được truyền hình trực tiếp. Bộ đang thực hiện các nội dung, giải pháp theo Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội nên chưa có gì mới để chất vấn.

  • Bộ trưởng nào nhận được nhiều chất vấn nhất, thưa ông?

  • Theo thứ tự từ trên xuống là Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp.

Bộ Tài chính sẽ trả lời nhóm vấn đề đầu tư công, quản lý giá cả thị trường; tránh thất thu thuế; đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Bộ Công thương, Kế hoạch và Đầu tư sẽ hỗ trợ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung vào nhóm vấn đề chất lượng đào tạo đại học, chất lượng dạy nghề; trách nhiệm với việc sinh viên ra trường thất nghiệp; đề án đổi mới giáo dục, trong đó có sách giáo khoa, gây nhiều tranh cãi gần đây.

Bộ Tư pháp giải đáp câu chuyện Hiến pháp vừa thông qua, làm sao triển khai được ngay; làm sao để ban hành, thống nhất, văn bản pháp luật đi vào cuộc sống. Bộ này cũng trả lời các câu hỏi về thi hành án dân sự.

Tổng Thanh tra Chính phủ tập trung vào công tác giải quyết khiếu nại tố cáo tồn đọng; phòng chống tham nhũng sao cho hiệu quả; phòng chống tham nhũng ngay nội bộ ngành thanh tra.

Đinh Xô