Bộ trưởng lại nhận trách nhiệm
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Quốc hội.
Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại nghị trường ngày 31-5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ một lần nữa lại xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém của Ngành Giáo dục khiến “dư luận bức xúc”.
Lần này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm trên ba vấn đề gồm: Phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn lỗ hổng để đối tượng xấu lợi dụng, làm sai lệch kết quả thi; phổ biến quy chế và tập huấn nghiệp vụ một số khâu (nhất là chấm thi) ở một số địa phương chưa chi tiết, hiệu quả và cuối cùng công tác thanh tra, giám sát của Bộ ở một số địa phương chưa sâu sát.
Cử tri “hình như” cũng không nhớ nổi lần này là lần thứ bao nhiêu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xin “nhận trách nhiệm” về những khuyết điểm, yếu kém của Ngành Giáo dục. Dấu ấn lớn nhất mà cử tri nhớ được qua những lần nhận trách nhiệm của ông là ở chỗ: Bộ trưởng chỉ nhận trách nhiệm cục bộ, qua những vụ việc gây “nóng” dư luận mà cả nước đã biết; chưa thực sự thẳng thắn nhìn vào “lỗi hệ thống” của ngành; chưa nghiêm khắc với chính bản thân mình.
Không nhìn ra “lỗi hệ thống”, không nhận thấy hạn chế về phẩm chất, năng lực của mình trong lãnh đạo, quản lý ngành thì suốt ngày sẽ phải chạy theo giải thích và nhận trách nhiệm qua các sự vụ cụ thể. Nói như các cụ là “chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng”.
Ngay trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn cho rằng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chưa “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ khuyết điểm”. Có đại biểu cho rằng: “Chưa cần bàn xa xôi về triết lý giáo dục, chỉ cần có quyết tâm một nền giáo dục không gian dối”. Có đại biểu lại nói: “Bộ trưởng chưa nhìn thẳng vào bệnh thành tích trong giáo dục”.
Nhân chuyện bệnh “thành tích trong giáo dục”. Nước bạn Campuchia ở ngay sát nước ta, 5 năm qua đã có sự bứt phá ngoạn mục trong cải cách giáo dục nhờ một chiến lược rất đơn giản của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Hang Chuon Naron, mang tên: “Không gian lận”.
Năm 2013, khi ông Hang Chuon Naron nhận chức Bộ trưởng, tệ hối lộ và gian lận phổ biến rộng rãi ở tất cả các cấp, thậm chí liên quan đến cả các quan chức giáo dục, đến mức không ai thực sự tin tưởng rằng cuộc cải cách này có thể thực hiện được. Nhưng Bộ trưởng Chuon Naron đã chứng minh là họ đã nhầm.
Trong mùa thi tốt nghiệp lớp 12 thực hiện chống gian lận lần đầu tiên (năm 2014), hơn 60% thí sinh đã bị loại trong gần 90.000 học sinh trên cả nước. Chính phản ứng tích cực của phần đông người dân Campuchia trước kết quả chấn động này đã khiến giáo viên và học sinh quyết định ủng hộ cải cách bằng việc chấp nhận tỷ lệ trượt kỷ lục. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của Campuchia từ 80% trong năm 2013 giảm mạnh còn 25,7% năm 2014. Tỷ lệ này trong các năm sau được cải thiện đáng kể (năm 2015 là 56%, năm 2016 là 62%, năm 2017 là 63,84%) và điều đáng nói là không còn bóng dáng của tệ hối lộ và gian lận.
Thành công của Ngành Giáo dục Campuchia cho thấy, thực chất của đổi mới, cải cách giáo dục không cần những triết lý cao siêu mà cần nhất là một người cầm chịch có đức, có tài, dám nhìn thẳng vào sự thật để chỉnh đốn, xây dựng ngành.
Cũng phải khẳng định rằng, nhân tài trong lãnh đạo, quản lý Ngành Giáo dục nước ta chưa bao giờ thiếu. Vấn đề là cơ chế phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng thế nào để nhân tài có cơ hội bộc lộ, khẳng định mình trước tổ chức.
Nhiệm kỳ này (Khóa XII của Đại hội Đảng và Khóa XIV của Quốc hội) chúng ta đã chứng kiến khá nhiều lãnh đạo cấp cao (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng...) bị xử lý kỷ luật do cả yếu tố "đức" và "tài". Đảng, Nhà nước cần tổ chức rút kinh nghiệm về vấn đề này, tìm ra nguyên nhân vì sao công tác nhân sự cấp cao chuẩn bị cho Đại hội XII lại yếu kém như vậy?
Riêng trong Ngành Giáo dục, việc xác định các đồng chí Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng (khóa trước, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, giữ chức vụ Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) là nguồn quy hoạch Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể sẽ vô tình hạn chế nguồn nhân sự Bộ trưởng và đôi khi "bắt" các đồng chí Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng phải "chín ép"... Đây là điều mà Ngành Khoa học tổ chức xây dựng Đảng rất cần nghiên cứu thấu đáo để tham mưu cho T.Ư Đảng.
Sẽ còn nhiều cán bộ lãnh đạo suốt cả nhiệm kỳ của mình chỉ lo giải trình, nhận trách nhiệm nếu chúng ta không quan tâm giải quyết thấu đáo những vấn đề cốt tử của công tác cán bộ. Một vấn đề mà Bác Hồ đã nhận định: "Là cái gốc của mọi công việc"!
Nguyễn Hồng