Bộ trưởng đốc thúc chống dịch tả lợn châu Phi
Bộ trưởng kiểm tra nơi tiêu hủy lợn dịch.
Ngày 2-3, Đoàn công tác do Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phụ trách đã tiến hành kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Hải Phòng là địa phương thứ 3 trong 7 tỉnh, thành cả nước xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi với ca nhiễm đầu tiên được công bố ngày 22-2.
Tính đến ngày 2-3, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 38 hộ tại 12 thôn, 5 xã thuộc 2 huyện Thủy Nguyên (Chính Mỹ, Liên Khê, Lưu Kiến, Đông Sơn, Thủy Đường) và xã Nam Hưng, huyện Tiên Lãng. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy 424 con (46 con lợn nái, 299 con lợn thịt, 79 con lợn theo mẹ).
Thăm kiểm tra và động viên hộ gia đình ông Vũ Văn Quyết, thôn 2 xã Liên Khê khi gia đình vừa tiến hành chôn tiêu hủy 30 con lợn (5 lợn nái), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, hiện dịch tả lợn Châu Phi đã bùng phát trên nhiều tỉnh thành và diễn biến rất phức tạp.
Bộ trưởng đánh giá rất cao tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Hải Phòng khi chứng kiến việc chấp hành của người chăn nuôi và chính quyền địa phương trong việc lập chốt tiêu độc khử trùng cách ly khi ổ dịch xảy ra theo đúng kịch bản Bộ đã chuẩn bị ban hành ngày từ khi dịch bắt đầu xuất hiện ca đầu tiên tại Trung Quốc.
Việc dập dịch đã được Hải Phòng làm bài bản, đúng quy định từ khâu tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, lập chốt khoanh vùng dịch, chôn lấp lợn bị nhiễm tả, thống kê hỗ trợ theo quy định của nhà nước...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để kiểm soát ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi lây lan vai trò tiêu hủy xử lý lợn nhiễm bệnh nhanh chóng và tại chỗ vô cùng quan trọng.
Việc đào hố chôn lấp phải đúng theo khuyến cáo của OIE sâu 3 mét, nên sử dụng vôi cục và khu chôn lấp phải đảm bảo xa nguồn nước chung, xa khu dân cư và phải được kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Hải Phòng bằng nhiều kênh nhiều nguồn khác nhau cũng như từ nguồn quỹ phòng chống dịch bệnh sớm có chính sách hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy để ổn định tâm lý người chăn nuôi.
Bên cạnh đó tiếp tục tuyên truyền và hỗ trợ để người dân có điều kiện chuyển đổi sang một số công việc ngành nghề khác để bù đắp trong lúc chuồng trại đang trong quá trình niêm phong lập chốt cách ly. Hiện Bộ đang đề xuất Chính phủ và các Bộ ngành sớm ban hành các chính sách hỗ trợ thêm cho người chăn nuôi ngoài Nghị định 02 của Chính phủ.
Về phía TP Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đình Chuyến cho biết bên cạnh việc lập chốt tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt thì TP. Hải Phòng cố gắng sớm nhất để hỗ trợ tiền cho người dân bị tiêu hủy lợn theo Nghị định 02 của Chính phủ là 38.000 đồng/kg hơi. Theo ông Chuyến, một số hộ dân bị tiêu hủy lợn ngày 22-2 đến nay đã nhận được tiền hỗ trợ. Các hộ tiếp theo cũng sẽ sớm nhận được hỗ trợ trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Tùng cho biết, hiện địa phương đang áp dụng Nghị định 02 của Chính phủ để hỗ trợ chung là 38.000 đồng/kg hơi nên chưa phù hợp với lợn nái lợn bố mẹ, lợn giống. Do đó ông Nguyễn Văn Tùng kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm có kiến nghị các Bộ, ngành, Chính phủ có thêm các quy định hỗ trợ tốt hơn, sát hơn đối với những hộ phải tiêu hủy lợn nái như tăng thêm 1,8 - 2 hệ số so với mức hỗ trợ chung hiện nay.
Quảng Ninh lập chốt kiểm soát từ ngày 3-3
Các chốt kiểm soát sẽ được thành lập với mật độ dày đặc từ thị xã Đông Triều cho đến huyện Hoành Bồ nhằm khống chế việc bùng phát dịch tả lợn Châu Phi.
Ngày 1-3, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký quyết định thành lập chốt kiểm soát liên ngành để kiểm tra việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn vào địa bàn tỉnh.
Tại thị xã Đông Triều chốt kiểm soát được thành lập tại cầu Vàng và cầu Đá Vách. Huyện Hoành Bồ sẽ thành lập chốt kiểm soát tại khu vực xã Tân Dân. Chốt kiểm soát liên ngành tại Trạm thu phí cầu Bạch Đằng (Quảng Yên) cũng sẽ được thành lập.
Các chốt kiểm soát liên ngành sẽ hoạt động 24/24 giờ, từ ngày 3-3-2019, với sự phối hợp của Công an tỉnh, Quản lý thị trường, Cảnh sát giao thông, Thú y các huyện, thị xã.
Khi phát hiện việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y có thẩm quyền sẽ tiến hành khử trùng, tiêu độc và xử lý theo quy định hiện hành.
Thu Hà