Bỏ sót nhiều mặt hàng vào diện chịu thuế (06/06/2010)
Đa số đại biểu Quốc hội đồng ý với sự cần thiết phải ban hành Luật thuế này. Nhiều ý kiến khác nhau xung quanh những vấn đề như khung điều chỉnh thuế; đối tượng chịu thuế; căn cứ tính thuế; bỏ sót nhiều mặt hàng vào diện chịu thuế. Dự thảo Luật thuế Bảo vệ môi trường gồm 4 chương, 14 điều, trong đó xác định phạm vi điều chỉnh, đối tượng chịu thuế, đối tượng không thuộc diện chịu thuế, người nộp thuế Bảo vệ môi trường; căn cứ tính thuế; khai, tính, nộp và hoàn thuế và điều khoản thi hành. Hiện trạng môi trường tiếp tục xuống cấp là những thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. Nếu không có các giải pháp giảm dần lượng chất thải độc hại thì ô nhiễm sẽ ngày càng tăng cao. Đó là những cơ sở để xây dựng Luật Thuế bảo vệ môi trường. Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường thể hiện định hướng điều tiết của Nhà nước đối với việc tiêu dùng một số sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế việc sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm. Góp ý vào dự thảo Luật thuế Bảo vệ môi trường, đa số đại biểu Quốc hội đồng ý với sự cần thiết phải ban hành Luật thuế này. Tuy nhiên, đối với dự thảo Luật, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh những vấn đề như khung điều chỉnh thuế; đối tượng chịu thuế; căn cứ tính thuế; bỏ sót nhiều mặt hàng vào diện chịu thuế.
Trong dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định 5 nhóm hàng hoá vào diện phải chịu thuế, gồm xăng dầu, than, túi nhựa xốp, dung dịch HCFC (được sử dụng trong một số lĩnh vực công nghiệp như làm lạnh, điều hòa không khí…), nhóm thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng và thuốc sử dụng trong nông nghiệp. Tuy nhiên, có một loại chất tẩy rửa, hoá chất độc hại, thuốc lá gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người lại không được liệt kê vào diện phải chịu thuế. Do đó nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần rà soát và đưa thêm các đối tượng gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nằm ngoài diện phải nộp thuế trong luật này như các loại nước thải sinh hoạt ở khu dân cư, các chất tẩy rửa công nghiệp. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) đưa ra dẫn chứng: Một cơ sở sản xuất hàng hóa thay hàng nhập khẩu bị đánh thuế bảo vệ môi trường còn cơ sở khác sản xuất cùng một loại hàng hoá như vậy để xuất khẩu lại không bị đánh thuế là quá vô lý. Vì vậy, Chính phủ cần quy định rõ hàng hóa của tổ chức, cá nhân sản xuất trực tiếp xuất khẩu (hoặc uỷ thác cho các cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu) khi không phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Các đại biểu Trần Hanh (Vĩnh Phúc), Lê Dũng (Tiền Giang), Thái Thị An Chung (Nghệ An), Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên – Huế), Bùi Thị Hòa (Đắc Nông)... cho rằng đối tượng chịu thuế chỉ là 5 nhóm như Dự thảo Luật đề ra là quá hẹp, chưa bao quát hết. Để có thể ngăn chặn các sản phẩm gây ô nhiễm, cần nghiên cứu rà soát tổng thể nhóm hàng gây ô nhiễm môi trường và quy định nhóm nào tạm thời áp dụng thuế suất bằng không để đảm bảo tính bền vững của Luật, tránh việc sửa Luật khi đưa vào áp dụng. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến cáo không nên dùng thuốc bảo vệ thực vật. Một số đại biểu lại nêu quan điểm: Dự thảo Luật mới chủ yếu đánh vào nhân dân và người nghèo, trong khi các nhà máy, những người làm ra các sản phẩm gây ô nhiễm thì chưa đề cập đến. Theo đại biểu Trần Hanh, phải rà soát, liệt kê các mặt hàng theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, phải quy định cụ thể hơn đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc đánh thuế sao cho có lý, có tình, phù hợp với sức dân, lòng dân. Bởi, nếu thuế xăng dầu cao sẽ ảnh hưởng đến toàn dân, đến cả nền kinh tế, còn thuế thuốc bảo vệ môi trường cao sẽ ảnh hưởng đến nông dân. Đánh thuế, nhưng không gây xáo trộn cho sản xuất kinh doanh, không ảnh hưởng đến lợi ích tiêu dùng và cũng cần tránh khuynh hướng nộp thuế để tiếp tục được xả thải gây ô nhiễm môi trường. Đại biểu Lê Dũng (Tiền Giang) cho rằng: cần xây dựng chính sách người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm trả phí và người hưởng môi trường trong lành cũng phải trả phí. Các đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Thái Thị An Chung (Nghệ An) kiến nghị bổ sung thuốc lá và các sản phẩm về thuốc lá vào danh mục đối tượng chịu thuế. Theo đại biểu Thái Thị An Chung, thuốc lá gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo nghiên cứu mới được công bố của một số nhà khoa học trên thế giới, trong thuốc lá có chứa chất phóng xạ nguy hiểm và không ổn định, đầu lọc thuốc không thể tái sinh... nên việc đưa thuốc lá vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường là cần thiết. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Giá bán thuốc lá thấp nên thanh thiếu niên, người nghèo đều dễ dàng tiếp cận. Trong khi nước ta chưa có một đạo luật riêng về cấm thuốc lá thì việc đưa vào diện đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường cũng là hoàn toàn phù hợp với công ước quốc tế. Đại biểu Bùi Thị Hòa (Đắc Nông), Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) nhìn nhận, nguyên tắc người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền, gây ô nhiễm nhiều trả tiền nhiều” chưa được thể hiện rõ trong dự luật. “Than chịu thuế ít hơn xăng dù than gây ô nhiễm lớn hơn; tương tự dầu cũng gây ô nhiễm hơn xăng, nhưng cũng chịu thuế ít hơn. Quy định như vậy chỉ mới có ý nghĩa hạn chế sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường mà chưa định hướng người tiêu dùng lựa chọn loại sản phẩm “xanh” hơn, ít gây ô nhiễm hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng (đoàn Thừa Thiên – Huế) cũng đề nghị: Ban soạn thảo cần nhìn xa hơn về các nhóm sản phẩm gây ô nhiễm; nếu thấy lo ngại về tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước thì trước mắt có thể cho thuế suất bằng 0, sau này sẽ tăng lên. Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, đưa thêm một số đối tượng chịu thuế cụ thể nữa để Chính phủ trình QH bổ sung các đối tượng chịu thuế mới tùy thuộc vào tình hình thực tế của đất nước. THANH LÂM