Bộ đội nhà Phật

Nghĩ lại những năm ấy sao mà căm thù bọn phản động Khơ-me đỏ đến thế. Chỉ sau 3 ngày chúng ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thì đến ngày 3-5-1975, bọn Pôn Pôt đã cho quân đổ bộ lên đảo Phú Quốc, ngày 10-5 chúng đánh chiếm đảo Thổ Chu, rồi tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Trong hai năm 1977-1978, chúng đã giết 5.230 người, làm bị thương 4.710 người dân dọc biên giới. Chúng biến đất nước Cam-pu-chia thành một nhà tù, lao động khổ sai khổng lồ, 3 triệu người dân, 25 ngàn sư sãi và 480 ngàn đồng bào các dân tộc bị giết hại. Trước tội ác tự hủy diệt dân tộc mình, phản bội nhân dân Việt Nam, quân đội ta đã liên minh chiến đấu với quân đội và nhân dân Bạn, giải phóng Cam-pu-chia. Nhưng đội quân đông đảo của Khơ-me đỏ được các thế lực bên ngoài ngoài tiếp sức hòng khôi phục lại những gì đã mất. Trong khi đó chính quyền và lực lượng vũ trang của Bạn mới hình thành, chưa đủ sức quản lý đất nước. Các Mặt trận 479, 579, 779, 979 và các đoàn chuyên gia được thành lập theo quan điểm "Giúp bạn là giúp mình".
Đại tá Lê Cường, nguyên Phó cục trưởng cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 302, Chủ tịch Hội Cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội, tâm sự: Ngày ấy, Mặt trận 479 có 4 sư đoàn, 2 đoàn chuyên gia, các trung đoàn binh chủng thiết giáp, pháo binh, công binh, cao xạ, thông tin và 6 trung đoàn bộ binh, 3 trung đoàn biên phòng... đảm nhiệm trên hướng chiến lược trọng yếu, có 490km biên giới với Thái Lan. Lực lượng địch có khoảng 17 ngàn quân, chia thành 2 Quân khu Bắc và Tây Bắc, 16 căn cứ mang danh chính phủ liên hợp 3 phái... Trong 10 năm trên chiến trường nước bạn, Mặt trận 479 đã đánh 16.162 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 vạn quân địch; trong đó tiêu diệt 38.504 tên, vận động và bóc gỡ 61.000 tên địch ngầm, thu trên 43 ngàn súng các loại, 462 tấn đạn, bắn cháy 3 xe tăng, 30 ô tô, 7 máy bay, phá hủy nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh của địch. Mặt trận cũng tổ chức giúp bạn 1 đảng ủy quân khu, 3 tỉnh ủy, 3 đảng ủy quân sự tỉnh, 26 huyện ủy, 406 chi bộ đảng, phát triển trên 3 ngàn đảng viên, 125 liên chi đoàn, 1.061 chi đoàn với 11.260 đoàn viên... Nhưng Mặt trận cũng có 9.419 cán bộ, chiến sĩ hi sinh, 17.586 người để lại một phần xương máu trên đất bạn.
Hôm nay, Đại úy Đỗ Xuân Biên, 59 tuổi, thương binh 4/4 mặc thường phục, có mang huy hiệu CCB và những cuống huân chương. Anh Biên nhập ngũ năm 1974, vào Đoàn Đặc công 429 miền Đông Nam bộ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị anh phối hợp với Quân đoàn 2, đánh chiếm quận 8, quân 9 Sài Gòn. Khi Mặt trận 479 ra đời, anh về đại đội trinh sát Sư đoàn 302. Tháng 2-1984, trong một lần trên đường đi làm nhiệm vụ thì chạm địch, hai bên nổ súng giao tranh. Anh bị một quả đạn cối nổ gần, nửa người bên phải bị mảnh đạn, mất sức 31%; điều trị xong vẫn tiếp tục chiến đấu đến năm 1989 thì mới rút quân về nước về nước.
Chủ tịch Hội CCB phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội là Đại tá Đồng Phú Quế 65 tuổi. Anh nhập ngũ năm 1968 rồi vào ngay Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5 chiến đấu, trực tiếp ra giải phóng Trường Sa tháng 4-1975. Tham gia giải phóng Cam-pu-chia từ năm 1978 với cương vị Chính trị viên Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 38, anh kể: Ngày 10-1-1979, trên đường hành quân tiểu đoàn bị địch phục kích. Chúng dùng súng cối, DKZ, súng máy 12,7 ly bắn vào đội hình. Bị bất ngờ, bộ đội ta phải rải khắp bờ mương gọi pháo binh bắn chế áp chờ trời tối. Địch rút, tiểu đoàn có 4/6 xe thiết giáp bị phá hủy và 84 cán bộ, chiến sĩ hi sinh. Có thể nói, trận này là một kỷ niệm đau thương theo suốt cuộc đời.
Cả hội trường lớn đã lặng đi khi anh thương binh 1/4 Trần Đắc Vân, 60 tuổi, khó nhọc bước lên đọc báo cáo điển hình. Anh Vân quê ở xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, nhập ngũ năm 1975, là sĩ quan tác chiến Trung đoàn 812, Sư đoàn 309, chiến đấu tại Cam-pu-chia từ năm 1979 đến 1985. Trong một trận truy quét quân địch ở chân điểm cao 271, phía Tây Nam Côm Riêng, tổ chiến đấu của anh vấp phải bãi mìn dày đặc của địch, anh bị cụt chân trái, thương tật 81%. Trở về gia đình, vợ là công nhân viên, 3 con còn nhỏ. Đầu năm 1992, anh được địa phương cấp đất ở, vay mượn thêm để làm ngôi nhà cấp bốn. Từ 2001 đến nay, anh thầu một khu đầm hơn 10ha mặt nước để làm kinh tế VAC. Mỗi năm thu hoạch từ 2-3 lứa cá, mỗi lứa từ 15-20 tấn cá các loại và 10 tấn vịt thương phẩm, giao nộp sản phẩm cho địa phương gần 100 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động...
10 năm liên minh chiến đấu, Mặt trận 479 có 3 sư đoàn, 5 trung đoàn, 13 tiểu đoàn, 5 đại đội và 5 cán bộ chiến sĩ được phong tặng Anh hùng LLVTND. Mặt trận được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Vinh dự nữa là được nhân dân Cam-pu-chia quý mến gọi “Bộ đội nhà Phật”.
Bài và ảnh:
Tô Kiều Thẩm