Bộ đội giải phóng hiền khô

CCB Nguyễn Văn Giáp kể:
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 1 chúng tôi có nhiệm vụ tiến công Sài Gòn từ hướng Bắc. Như vậy Quân đoàn phải tiêu diệt được hai căn cứ quan trọng là Tân Uyên và Bến Cát do Sư đoàn 3 ngụy đóng giữ mới tới mục tiêu cuối cùng. Tôi được phân công theo hướng đánh vào Tân Uyên sáng ngày 30-4-1975. Sau khi giải phóng được ấp Bình Mỹ để tiến đánh căn cứ Tân Uyên thì có một tốp máy bay A4D của địch từ biển bay vào ném bom xuống đội hình tiến công của Quân đoàn. Không may tôi bị thương nhẹ vào môi trên, máu ra nhiều. Trong lúc đó có một chị khoảng 35 tuổi chạy đến và nói với mọi người: Bộ đội giải phóng bị thương rồi, các ông cho tôi được đưa bộ đội giải phóng này về nhà cứu chữa. Gia đình tôi sẽ chăm sóc tận tình, chu đáo các ông đừng ngại. Tên tôi là Lê Thị Giêng ở ấp Bình Mỹ, các ông vừa giải phóng đó. Nhưng vết thương của tôi cũng nhẹ, nên vẫn tiếp tục hành quân cùng đơn vị. Chị Giêng lại nói: Nếu các ông không cho đón Bộ đội giải phóng về nhà thì cho tôi đi theo vào Sài Gòn. Từ đây vào Sài Gòn đường sá tôi thuộc như lòng bàn tay.
Thế là người đàn bà đó đã theo chúng tôi vào tận Sài Gòn, cũng trong ngày 30-4 ấy lúc chia tay, chị nói: Bộ đội giải phóng cho tôi một vài chữ làm kỷ niệm. Đồng chí Nguyễn Sá Liễn - Tham mưu phó Quân đoàn bảo tôi: Anh Giáp ghi cho chị, và tôi đã viết: “Bộ đội giải phóng xác nhận bà Lê Thị Giêng ở ấp Bình Mỹ có giúp đỡ bộ đội vào giải phóng Sài Gòn. Nguyễn Văn Giáp, Trợ lý tác chiến Quân đoàn I”. Cầm tờ giấy trên tay chị vô cùng phấn khởi và nói hẹn có ngày gặp lại. Kể từ ngày ấy tôi không có dịp nào trở lại Sài Gòn nữa. Nhưng trong tâm trí tôi luôn có ước nguyện phải đến ấp Bình Mỹ để gặp người đàn bà đáng kính đó, đã không ngại hy sinh, vượt qua bom rơi, đạn nổ đến với Bộ đội giải phóng và muốn cưu mang bộ đội, đưa đường cho bộ đội vào giải phóng Sài Gòn.
Mãi đến năm 2002, vào thăm các con cháu công tác ở TP. Hồ Chí Minh nên có cơ may, tôi liền hỏi thăm về ấp Bình Mỹ và đã gặp các đồng chí trong Ban chấp hành Hội CCB. Các anh nói: Ấp Bình Mỹ chúng tôi có má Lê Thị Giêng hiện còn sống. Nhưng không biết có phải má Giêng mà đồng chí tìm không. Khi đến nhà, má Giêng chạy ra rất niềm nở. Má nói có công việc chi mà cán bộ Hội tới thăm nhà tôi đó? Đồng chí Chủ tịch nói, có chứ, có khách sang đến gặp má đây. Nghe câu chuyện tôi kể, má Giêng nói thế thì đúng rồi, ông là người bị thương gần ấp Bình Mỹ ngày 30-4 thật rồi! Má đứng dậy quay vào trong nhà mang ra một tờ giấy nhỏ mà ngày 30-4-1975 tôi viết lúc chia tay. Sau gần 30 năm, má vẫn giữ gìn coi như một vật báu trong nhà. Má kể, trong thời gian sống dưới ách kìm kẹp của Mỹ - ngụy, nhân dân chúng tôi chưa được tiếp xúc với bộ đội giải phóng, chỉ nghe bọn chúng tuyên truyền bộ đội giải phóng có đuôi, ba người đu lên cuống đu đủ không gãy, bộ đội giải phóng là cộng vợ, cộng chồng, đi đến đâu cướp của giết người, hãm hiếp phụ nữ. Nhưng thực tế ở ấp Bình Mỹ hôm ấy, chúng tôi thấy Bộ đội giải phóng là những người chiến đấu gan dạ, không làm hại dân, lại trắng trẻo, hiền khô… Nên tôi muốn được giúp đỡ, vậy thôi. Cho đến giờ bà con chúng tôi vẫn chân thành cảm ơn Bộ đội giải phóng, cảm ơn cách mạng đã mang lại cơm no, áo ấm cho mọi người, gia đình tôi đã khá giả hơn nhiều.
Hoài An