Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế: Giúp dân xóa bỏ hủ tục
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hương Nguyên vận động đồng bào Tà Ôi xóa bỏ hủ tục.
Căn nhà nhỏ giữa ngôi làng nằm lọt thỏm dưới những tán cây rừng, đầu sáng chỉ có hai đứa bé gái đùa giỡn bên cạnh khung cửi với người mẹ trẻ khuôn mặt đượm buồn. Giờ này, trong làng, đàn ông, con trai đã đi làm ngoài nương. Tiếng va chạm kẽo kịt của các thanh cửi dệt vải là thứ âm thanh nghe rõ nhất trong ngôi nhà. Người phụ nữ ấy thật ra chỉ mới 17 tuổi tên là Blúp Thị Thỏa, là người đồng bào Tà Ôi, sống ở xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Giọng nói tiếng địa phương phải qua cán bộ biên phòng phiên dịch, tôi mới hiểu. Thỏa tâm sự: Làng ở xã miền núi biên giới này con gái mới lớn chưa đủ tuổi thành niên đã có chồng, sinh con. Thỏa bộc bạch:
- Cách đây 3 năm, tôi lấy chồng. Khi đó tôi 14 tuổi và bây giờ đã có 1 đứa con. Khi lấy nhau, chúng tôi chưa biết đến tảo hôn. Sau này khi được già làng, Hội phụ nữ, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, tôi mới biết về Luật Hôn nhân và gia đình. Bây giờ tôi hối hận vì khi lấy nhau hai vợ chồng đang còn nhỏ tuổi quá.
Người dân sống xã A Roàng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số: Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô… Bà con không chỉ khó khăn về kinh tế, mà đời sống văn hóa tinh thần cũng còn nhiều thiếu thốn. Trẻ em lớn lên như cây ngô ngoài đồng, con chim trên cành. Vì ít học, thiếu hiểu biết và thêm hủ tục bao đời đè nặng mà nhiều em gái phải lập gia đình sớm, cuộc sống khó khăn. Cùng với đó là nhiều hệ lụy kéo theo như: sức khỏe sinh sản không bảo đảm, không biết chăm sóc con cái khoa học, sứt mẻ tình cảm vợ chồng… Xã A Roàng, huyện A Lưới cũng là địa phương có tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết thống cao nhất tỉnh Thừa Thiên Huế.
Để giúp địa phương ngăn ngừa và xóa bỏ các hủ tục, Đồn Biên phòng Hương Nguyên thành lập Tổ giáo viên, phối hợp với chính quyền, Hội Phụ nữ xã, phát huy vai trò Già làng, Trưởng bản đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Trong các buổi sinh hoạt thôn bản, ngoài thông tin về bảo vệ chủ quyền biên giới, Bộ đội Biên phòng còn phổ biến Luật Hôn nhân - Gia đình, giải thích để bà con hiểu tác động xấu và hệ quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Già làng Hồ Văn Lớp, ở xã A Roàng là người tích cực vận động bà con nghe theo Bộ đội Biên phòng chăm lo làm ăn kinh tế, từ bỏ các hủ tục, không thúc ép con cái kết hôn sớm. Hôm nay, có bộ đội đến nhà chơi, già làng Lớp vui lắm, ông nói rất nhiều, nhất là chuyện vận động các gia đình từ bỏ hủ tục ép con cái lập gia đình sớm như nhiều năm trước. Già làng Hồ Văn Lớp cho biết:
- Ở địa phương mình theo phong tục tập quán là kết hôn sớm và lấy con cô cậu với nhau, nhưng từ khi Bộ đội Biên phòng về tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước, Luật Hôn nhân và Gia đình, thì bà con cũng dần dần hiểu, nhờ đó mà đẩy lùi tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương vận động bà con thực hiện nếp sống văn hóa, ngoài cung cấp thông tin tuyên truyền trên Đài truyền thanh, lãnh đạo, chỉ huy Đồn Biên phòng Hương Nguyên còn cử cán bộ đến tận thôn bản để đưa trẻ em đến trường; phối hợp với các trường học tổ chức giáo dục pháp luật, nói chuyện hôn nhân gia đình cho học sinh. Kiến thức pháp luật và những câu chuyện về những cặp vợ chồng không hạnh phúc do kết hôn sớm mà bộ đội biên phòng kể ra đã giúp bà con, nhất là các bạn trẻ nâng cao hiểu biết, để tránh trở thành nạn nhân của nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Đại úy Thái Quốc Hùng - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hương Nguyên cho biết:
- Ngoài tuyên truyền chung thì chúng tôi cũng hướng đến đối tượng là các cháu học sinh vì đây là những cháu trực tiếp là nạn nhân của vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Chúng tôi cũng phối hợp với ban ngành đoàn thể, cùng với các già làng, người có uy tín để tuyên truyền, giảm bớt, tiến tới xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trên địa bàn quản lý.
Nhờ sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của hệ thống chính quyền, sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng mà tình trạng kết hôn tuổi vị thành niên như trường hợp của Blúp Thị Thỏa dần hạn chế. Tuy nhiên, muốn xóa bỏ hoàn toàn hủ tục này thì chính quyền và các đơn vị chức năng địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế cần tiếp tục có những giải pháp để nâng cao đời sống kinh tế, nâng cao trình độ văn hóa và hiểu biết pháp luật. Đó cũng là cách làm hiệu quả nhất để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao biên giới hướng đến cuộc sống ngày tốt đẹp hơn trên quê hương mình.
Trần Thông