Bình ổn giá và nguồn cung xăng, dầu (25/02/2013)

Cho tới thời điểm hiện tại, hoạt động kinh doanh xăng, dầu vẫn tuân thủ theo quy định của Nghị định số 84/2009/NÐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu. Sau nhiều tranh luận thẳng thắn của hai bộ có trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, gần hai năm qua thì những bất cập giữa quy định của nghị định và thực tế đã được chỉ ra và nhận được sự đồng thuận của cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Từ đó, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định của Nghị định 84 đã trở thành yêu cầu bức thiết, không chỉ tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho hoạt động kinh doanh xăng, dầu của DN mà còn giảm áp lực cho cả cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng. Trong các nội dung cần sửa đổi, những quy định về công thức tính giá cơ sở; về tần suất, biên độ điều chỉnh giá; về quỹ bình ổn giá và chất lượng xăng, dầu... là những nội dung quan trọng nhất. Tuy là vấn đề gây nhức nhối dư luận kéo dài nhưng cho tới nay, việc sửa đổi vẫn đang trong quá trình rà soát, đánh giá, chưa thể đưa ra những kết luận cuối cùng.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu liên bộ Tài chính - Công thương và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh quá trình đánh giá toàn diện việc thi hành Nghị định 84, trong đó xác định rõ các mặt được và hạn chế, bất cập trong nội dung của Nghị định cũng như trong điều hành hoạt động kinh doanh xăng, dầu. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương chịu trách nhiệm xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và trình Chính phủ trước ngày 30-6. Trước đó, liên tục trong các tháng 7 và 11-2012, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương đẩy nhanh công tác này, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12-2012. Tuy nhiên, theo công bố của Bộ Công thương, mặc dù đã nêu rõ trong công văn đề nghị trả lời trước ngày 30-11-2012 nhưng đến ngày 25-12-2012, Bộ Công thương chỉ nhận được ý kiến trả lời của hai trong số bốn bộ (Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ), sáu trong số 13 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu và 29 trong số 63 Sở Công thương địa phương. Ðiều này cho thấy chính các cơ quan, đơn vị liên quan (trong đó có cơ quan cấp bộ) cũng chưa thực hiện đúng mức nghĩa vụ tham gia của mình trong vấn đề cấp thiết này.

Trong điều kiện khó khăn hiện nay, thì những động thái dứt khoát, minh bạch, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò to lớn không chỉ trong việc bình ổn giá và nguồn cung xăng, dầu mà còn góp phần ổn định tâm lý tiêu dùng xã hội. Thực tế đã chỉ ra, trong thời gian qua, tuy còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng về cơ bản, người tiêu dùng đã chia sẻ rất nhiều với Nhà nước và DN, và ngược lại, vào nhiều thời điểm khác nhau, Nhà nước và DN cũng đã thực hiện sự đồng cam cộng khổ này với người tiêu dùng. Ðiều mà cả DN và người dân mong mỏi là việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về kinh doanh xăng, dầu cần sớm được ban hành, để mọi hoạt động trong lĩnh vực này được định hướng theo khuôn khổ phù hợp hơn với yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, các cơ quan quản lý cần chú trọng hơn nữa quá trình rà soát, đánh giá, sửa đổi, bởi thời gian chờ đợi từ hai đến ba năm là quá dài so sức chịu đựng của người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện khó khăn như hiện nay.

Theo NDĐT (TH)