Bình luận: Ván bài "kép" Trung Đông và U-crai-na trong quan hệ Nga-Mỹ

Có thể nói, trước diễn biến căng thẳng ở Trung Đông, Nga là quốc gia đầu tiên gửi viện trợ quân sự cho chính quyền I-rắc và cam kết hỗ trợ chính phủ nước này trong cuộc chiến đấu chống lại phiến quân. Nếu như trước đây, hai bên từng đạt thỏa thuận về giải giáp vũ khí hóa học ở Xy-ri, thì giờ đây, khủng hoảng U-crai-na đã đẩy quan hệ Nga - phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. Sức ép quá lớn từ phương Tây đối với Nga không thể không dẫn tới biện pháp trả đũa và thái độ cứng rắn của Mát-xcơ-va. Tuyên bố ngày 5-9-2014 của NATO cũng dành tới 15 mục, trong tổng số 113 mục, để chỉ trích Nga trong vấn đề U-crai-na, mặc dù trước đó Tổng thống Pu-tin đã kịp đưa ra kế hoạch 7 điểm về lập lại hòa bình ở U-crai-na. Việc Mỹ nâng cấp độ trừng phạt Nga khiến giới phân tích không hề bất ngờ bởi ngay từ trước khi công bố các biện pháp này, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố, sẽ đối đầu với Nga nếu Nga tiếp tục cái mà Mỹ gọi là vi phạm luật pháp quốc tế. Giữa hai bên, Nga và Mỹ, đang mất lòng tin nghiêm trọng.
Rõ ràng, nhìn xa hơn về mặt bản chất về lệnh trừng phạt này. Đó là sau sự kiện Crưm và xa nữa là nước Nga có sự vươn lên mạnh mẽ. Mỹ lo ngại về sự lớn mạnh của Nga, cụ thể biểu hiện là nguyên trạng của châu Âu đe dọa bị phá vỡ. Cho nên, việc gây sức ép với Nga có lẽ còn xa hơn câu chuyện U-crai-na. Từ khi nước Nga sát nhập Crưm cho đến nay, Nga đã bị Mỹ, các nước thuộc Liên minh châu Âu, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a… ngày càng siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt về kinh tế, tài chính, ngân hàng và danh sách những cá nhân bị trừng phạt ngày càng dài thêm. Nếu tiếp tục theo chiều hướng này, những biện pháp đáp trả của Nga sẽ không dừng lại ở vấn đề kinh tế. Việc Mỹ và châu Âu gia tăng mức độ trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng U-rai-na là một diễn biến gây lo ngại. Cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ đã bị đẩy lên một mức mới khi Mát-xcơ-va tuyên bố sẵn sàng cho các biện pháp trả đũa.
Trước thực tế đó, bằng việc tạm hoãn kết nạp U-crai-na và Gru-di-a vào NATO và chưa đưa ra quyết định triển khai lực lượng tại U-crai-na, phương Tây đang để ngỏ cánh cửa đối thoại với Nga. Bởi Nga và Mỹ vẫn đang cần đến nhau rất nhiều trong các vấn đề quốc tế. Mặt khác, hội nghị thượng đỉnh NATO mới đây tại Xứ Uên (Anh) cũng ra tuyên bố, trong đó nêu rõ cam kết hợp tác với chính phủ I-rắc nhằm ngăn chặn, tiến tới tiêu diệt IS, thông qua hoạt động huấn luyện, trao đổi thông tin chiến lược, đối thoại chính trị, xây dựng thể chế. Cuộc chiến chống lực lượng hồi giáo cực đoan IS mà Mỹ đang phát động, vấn đề Xy-ri, việc giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran, Triều Tiên, có rất nhiều điểm nóng quốc tế mà Mỹ, phương Tây cần có sự phối hợp của Nga để giải quyết.
Có nhiều yếu tố khiến cả Nga và Mỹ không thể bỏ qua những vấn đề ở Trung Đông. sự lo ngại của Mát-xcơ-va trước chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan không hề thua kém so với Oa-sinh-tơn vì các tổ chức khủng bố luôn đe dọa trực tiếp an ninh nước Nga. Nhận thức rõ khả năng liên kết giữa các lực lượng khủng bố vùng Cáp-ca-dơ với các tổ chức khủng bố quốc tế, chính quyền Pu-tin luôn cảnh giác cao độ và có biện pháp phòng ngừa thích đáng. Hơn nữa, lợi ích về kiểm soát nguồn năng lượng và cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng tại Trung Đông luôn là những nhân tố thúc đẩy Nga và Mỹ duy trì ván bài còn chưa ngã ngũ. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất của Nga và Mỹ là họ đang chơi một ván bài "kép" ở cả Trung Đông và U-crai-na.
Những lời lẽ công kích lẫn nhau hiện nay giữa Nga và Mỹ gợi lại bầu không khí thời chiến tranh lạnh, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và những bài học rút ra từ quá khứ đối đầu giữa hai cực Đông-Tây trong chiến tranh lạnh sẽ là lý do để các bên tìm ra được giải pháp cho tình trạng hiện nay.
Thanh Lâm