Bình luận: “Sức mạnh mềm” tàn khốc (16/08/2012)
Hàng trăm người dân và binh sĩ của cả hai phe tại Xy-ri đã ngã xuống mỗi ngày và đã có gần 2.400 người vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ để "trốn chạy" do bạo lực đang gia tăng. Hơn 17 tháng qua, đã có tới khoảng 19.000 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, chủ yếu là dân thường. Khoảng 200.000 người dân Xy-ri đã phải “tha phương cầu thực”, trốn sang các quốc gia láng giềng để lánh nạn. Điều gì khiến đất nước Xy-ri trở thành chiến trường đẫm máu và cuộc chiến này sẽ đi về đâu?
Rõ ràng, rút kinh nghiệm từ các cuộc chiến trước tại I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, chính quyền Ô-ba-ma đã nhiều lần tuyên bố không muốn tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong các chiến dịch can thiệp quân sự vào nước ngoài, dù với bất kỳ lý do hay dưới hình thức nào; do vậy, lấy học thuyết về “sức mạnh mềm” và "quyền lực thông minh" mà vũ khí lợi hại nhất là truyền thông. Với “vũ khí” truyền thông và những “viên đạn bọc đường” mang tên “tự do”, “dân chủ”, “chống độc tài”… Mỹ và các quốc gia phương Tây đã “bắn phá” tơi tả nhiều quốc gia độc lập, có chủ quyền như Ai Cập, Ly-bi… và nạn nhân tiếp theo đang là Xy-ri. Thông qua “sức mạnh mềm” và công cụ truyền thông, báo chí thân Mỹ và phương Tây cũng đã không từ thủ đoạn nào, sẵn sàng “gắp lửa bỏ tay người”, để đạt mục đích...
Hiện giới chức Mỹ và phương Tây không từ bỏ rắp tâm lật đổ ông Ba-sa An-Át-xát tuyên bố trọng tâm của họ là hỗ trợ phe đối lập tại Xy-ri và có thể viện trợ nhân đạo cho những người tị nạn khi giao tranh trở nên ác liệt. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc và I-ran luôn chống lại các nghị quyết trừng phạt Xy-ri; đồng thời đang ra sức thúc giục Đa-mát tiến hành cải cách, thương lượng để có thể bảo toàn thể chế chính trị ở Xy-ri hiện nay. Nỗ lực mới nhất của các nước này là việc tổ chức hội nghị quốc tế vừa qua tại Tê-hê-ran để bàn về tình hình Xy-ri, có sự tham gia của gần 30 nước, do I-ran chủ trì.
Tuy nhiên, nhìn về tương lai có thể thấy, Xy-ri sẽ tiếp tục trong cảnh "nồi da nấu thịt" và không thể tự quyết định được vận mệnh dân tộc mình, bởi khi bên này trang bị vũ khí cho các chính phủ đồng minh, thì bên kia ủng hộ quân nổi dậy chống lại chính phủ này.
Nhìn vào bức tranh chiến sự đang diễn ra tại Xy-ri hiện nay, có thể thấy một khi Mỹ và phương Tây can thiệp thô bạo vào nội bộ một quốc gia khác, thì dù bằng “sức mạnh cứng” của súng đạn, hay “sức mạnh mềm”thì hậu quả vẫn tàn khốc như nhau.
Cuộc khủng hoảng ở Xy-ri đã chính thức bước sang giai đoạn mới đẫm máu và ác liệt nhất kể từ khi các phần tử chống chính phủ nổi dậy ở nước này hồi tháng 3 năm ngoái. Thực tế cuộc chiến này đang gợi lên những liên tưởng mạnh mẽ về hậu quả tàn khốc của “sức mạnh mềm” mà Mỹ và phương Tây đã dùng để khuyế́n khích, hỗ trợ và chỉ đạo cuộc xung đột chống chế độ tại Đa-mát và cái giá phải trả chỉ là sự đổ máu tàn khốc.
Thanh Lâm