Bình luận: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Quyết định trên được triển khai ngay sau khi danh sách được công bố chính thức với 818 danh mục sản phẩm, giảm so với 1.333 danh mục mà Tổng thống Trump đề xuất hồi tháng 4 vừa qua.
Trung Quốc ngay lập tức áp thuế bổ sung 25% đối với 659 mặt hàng của Mỹ với tổng trị giá 50 tỷ USD; mức thuế bổ sung đối với 545 mặt hàng tổng trị giá khoảng 34 tỷ USD, bao gồm nông sản và xe hơi, sẽ có hiệu lực từ ngày 6-7 tới. Thời gian áp thuế bổ sung đối với 114 mặt hàng còn lại sẽ được thông báo sau. Trước đó, Trung Quốc từng cảnh báo nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu, các thỏa thuận về thương mại và kinh tế đạt được giữa hai bên sẽ không còn hiệu lực.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chính thức nổ ra nhưng chưa phải là một cuộc chiến kinh tế toàn diện! Cuộc chiến này chưa thể đoán định hồi kết hay phần thắng sẽ nghiêng về bên nào nhưng rõ ràng Mỹ là bên chủ động. Ông Trump đang làm không chỉ vì cam kết khi tranh cử, mà còn giải bài toán thâm hụt thương mại tới 500 tỷ USD với Trung Quốc. Về chiến lược, Mỹ không muốn để Trung Quốc soán ngôi trên bất kỳ mặt trận nào.
Các chính quyền của Mỹ thường tính toán sức mạnh quốc gia dựa trên mô hình DIME - viết tắt của Ngoại giao, Thông tin, Kinh tế và Quân sự. Tùy trường hợp cụ thể mà các chính quyền sử dụng một hoặc hai sức mạnh trong mô hình. Với trường hợp Trung Quốc, có thể thấy rõ Mỹ đang phát huy sức mạnh tổng thể của quốc gia để ngăn chặn tham vọng bá chủ, soán ngôi của Trung Quốc.
Trong lĩnh vực ngoại giao, Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì các kênh liên lạc cũng như các cuộc thăm viếng cấp cao. Mỹ đã thành công khi thuyết phục được Trung Quốc ủng hộ xử lý vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mà đỉnh điểm là kết quả tích cực của cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un ở Singapore ngày 12-6 vừa qua.
Về quân sự, tuy Trung Quốc đã cơ cấu lại tổ chức quân đội, gia tăng sức mạnh của các lực lượng nhưng còn phải mất một thời gian dài nếu đầu tư đúng hướng thì Trung Quốc mới có thể sánh ngang hàng với Mỹ trong lĩnh vực này. Tuy vậy, điều Mỹ quan ngại là việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, chiếm giữ trái phép khu vực này để hiện thực hóa “con đường tơ lụa trên biển” và cùng với chiến lược “Vành đai - Con đường” cạnh tranh trực tiếp với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền ông Trump.
Mỹ đã thách thức ý đồ này của Trung Quốc thông qua các diễn đàn quốc tế và trực tiếp cử tàu thực hiện các sứ mệnh tự do hàng hải ở Biển Đông. Nhiều nước đồng minh ủng hộ động thái này của Mỹ bằng việc điều tàu tới Biển Đông thách thức Trung Quốc trong việc chiếm giữ đảo phi pháp và quân sự hóa các đảo này, trái với luật pháp quốc tế.
Trở lại vấn đề kinh tế, giải bài toán thâm hụt thương mại quá lớn, ước tính lên tới 500 tỷ USD/năm. Ngay sau chuyến thăm Trung Quốc, trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC tại T.P Đà Nẵng ngày 10-11-2017, ông Trump nói. “Tôi đã trao đổi cởi mở và thẳng thắn với Chủ tịch Tập Cận Bình về thương mại không công bằng và tình trạng thâm hụt thương mại lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Tôi đã bày tỏ mong muốn sâu sắc hợp tác với quốc gia này để có được mối quan hệ thương mại dựa trên bình đẳng và công bằng thực sự”...
Nếu Mỹ và Trung Quốc không nhượng bộ lẫn nhau, một cuộc chiến thương mại giữa hai bên chắc chắn sẽ nổ ra và gây ảnh hưởng xấu tới các nước trong khu vực Đông Á cũng như các nước có mối quan hệ kinh tế phụ thuộc nhiều vào Mỹ hoặc Trung Quốc. Dù sao đi nữa, các nước liên quan cũng nên có các động thái phòng bị để bảo đảm an ninh kinh tế của mình.
Ngọc Hưng