Bình dị một chữ “Nhân”

Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và AHLĐ Lê Văn Kiểm tại Đại hội toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ VI.
Đều sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, Ông được biết đến là một trong những CCB doanh nhân làm kinh tế giỏi và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tích cực nhất. Còn bà cũng là một doanh nhân trí tuệ, thành đạt; một người vợ, người mẹ đảm đang.

Rời quân ngũ sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, ông quyết tâm làm kinh tế tư nhân với mong muốn góp chút công sức xây dựng quê hương. Với ý chí, tinh thần, nghị lực vượt khó của người lính Cụ Hồ, ông tích cực nghiên cứu, tìm hiểu các ngành kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm và phát triển thương mại, để đến năm 1978, ông bắt đầu thực hiện kế hoạch làm kinh tế tư nhân. Ngày đi làm việc trong cơ quan Nhà nước, tối về làm thức ăn gia súc, phát triển cơ sở kinh doanh tư nhân, với vốn liếng ban đầu là một lượng vàng - tiền bán chiếc xe máy hon đa... Nhưng chỉ một thời gian sau, các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc trong thành phố phát triển nhiều, ông quyết định chuyển nghề.

Trong một lần đi du lích, tình cờ vợ ông, vốn là kỹ sư hóa, đã phát hiện ra tinh dầu hạt cao su pha vào sơn sẽ làm cho sơn tăng độ dẻo, độ bóng và độ bền. Còn bã của sản phẩm dùng làm phân bón rất tốt cho cây trồng trong nông nghiệp. Thế là ông, bà mở cơ sở ép hạt cao su lấy dầu. Do đáp ứng được nhu cầu thị trường, cơ sở phát triển nhanh chóng, sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường đang rất cần lúc đó.

Ông Kiểm còn có duyên với nghề sản xuất bột màu dùng cho sản xuất gạch lát nền nhà và quét tường. Bột màu xây dựng của Tổ hợp Huy Hoàng sản xuất ra có chất lượng tốt, giá hợp lý nên đã chiếm lĩnh được thị trường trong nước.

Năm 1986, ông đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Huy Hoàng, rồi sau đó chuyển thành Công ty CP May và Xây dựng Huy Hoàng. Với việc đầu tư dây chuyền, thiết bị đồng bộ và tiên tiến nhất được nhập khẩu từ Nhật Bản và Italia, Công ty Huy Hoàng đã trở thành doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc có quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam vào những năm 1987-1990, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động của Công ty và hơn 20.000 lao động của các doanh nghiệp bạn trong toàn quốc và thương hiệu may Huy Hoàng nổi tiếng không chỉ trong nước, mà còn vươn tới các nước châu Âu, trở thành một trong những công ty may tư nhân lớn nhất của Việt Nam tại thời điểm đó.

Nhưng đến năm 1996-1997, do khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á nên hàng loạt các hợp đồng xuất khẩu bị hủy, hàng chục triệu USD tiền hàng không được thanh toán, toàn bộ tài sản của doanh nhân Lê Văn Kiểm sau bao năm lao động, tích cóp giờ bị đóng băng bán không được, khó khăn đang đến gần, Công ty trên bờ vực phá sản.

Với ý chí và nghị lực của người lính, cùng sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ trong việc xử lý nợ lãi, chỉ sau 3 năm, Công ty Huy Hoàng đã trả hết số nợ tồn đọng cả gốc và lãi cho ngân hàng, giảm được tổn thất cho Nhà nước trên 500 tỷ đồng, giữ được việc làm ổn định cho hơn 2.000 công nhân của Công ty, đóng góp một phần vào việc thực hiện thành công đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, giúp được nhiều doanh nghiệp doanh nhân khác không bị hình sự hóa và giảm thất thoát cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Năm 1990, khi tỉnh Đồng Nai có chủ trương mời gọi các doanh nhân đầu tư, phát triển kinh tế địa phương ông, bà đã mạnh dạn huy động vốn kinh doanh Câu lạc bộ golf, lấy tên là Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh golf Long Thành, tại T.P Biên Hòa, với tổng diện tích 1.200ha.

Golf Long Thành là sân golf đầu tiên của Việt Nam do người Việt Nam đầu tư, quy hoạch, thiết kế xây dựng và quản lý. Đồng thời ông, bà còn đầu tư xây dựng dự án khu đô thị nghỉ dưỡng thể thao-du lịch sinh thái tại Long Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là một trong những khu du lịch nghỉ mát bờ biển lý tưởng nhất khu vực phía Nam.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, cả hai ông, bà còn tích cực làm công tác xã hội và các hoạt động thiện nguyện. Tính đến nay số tiền làm từ thiện và công tác xã hội của gia đình ông Lê Văn Kiểm đã lên đến hơn 800 tỷ đồng.

Được biết, mỗi năm, các doanh nghiệp của ông, bà đã đóng góp hàng chục tỉ đồng cho ngân sách nhà nước. Với những thành tích đạt được cả trong làm kinh tế và công tác xã hội, doanh nhân Lê Văn Kiểm được Nhà nước phong tặng AHLĐ thời kỳ đổi mới; năm 2016, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc”; năm 2013 Tạp chí Forbes của Mỹ vinh danh là “Doanh nhân từ thiện - Xây dựng cộng đồng thời kỳ đổi mới”; năm 2017, Viện Hàn Lâm Khoa học sáng tạo Thế giới công nhận danh hiệu “Kỷ lục thế giới có giá trị đạo đức và nhân văn - Người sáng lập khởi xướng thành công giải Golf từ thiện lớn nhất”.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI nhiệm kỳ 2017-2022 CCB Lê Văn Kiểm được bầu là Ủy viên Thường vụ T.Ư Hội CCB Việt Nam, còn bà Trần Thị Cẩm Nhung - Phó chủ tịch Công ty Golf Long Thành vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Chủ tịch nước.

Với ông, bà làm kinh tế hay làm từ thiện đều xuất phát từ một chữ “Nhân”.

Hậu Giang