Biểu hiện và cách khắc phục suy giảm trí nhớ

Suy giảm trí nhớ hay lẫn, đãng trí là hiện tượng kém dần của trí nhớ và nhận thức do suy thoái không ngừng của não bộ. Người mắc phải chứng lẫn lúc đầu thường quên những việc mới xảy ra, nhưng về sau khi bệnh trầm trọng sẽ không nhận ra người thân trong nhà, vụng về, hay đi lạc, mất khả năng sinh hoạt hằng ngày và cần người khác chăm sóc kiểm soát mọi mặt. Bệnh diễn ra khá phổ biến hiện nay, đặc biệt đối với những người cao tuổi.

Chính vì thế, để giảm thiểu được nguy cơ mất trí nhớ, người bệnh cần được phát hiện và chữa trị càng sớm càng tốt.

Biểu hiện thường gặp

Theo TS. Trần Thị Hà An, Trưởng Phòng Điều trị bệnh tâm thần người già, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não, với đặc trưng bởi là các biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục…Sa sút trí tuệ có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60 - 80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ).

Ngoài rối loạn các lĩnh vực nhận thức, người bệnh sa sút trí tuệ có thể có nhiều triệu chứng rối loạn tâm lý - hành vi và suy giảm chức năng nặng nề tuỳ từng thể và từng giai đoạn của bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cần được tới gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu sớm dưới đây:

- Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hằng ngày.

- Khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề.

- Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc.

- Nhầm lẫn về thời gian và không gian.

- Khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian.

- Phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết, đọc.

- Đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ.

- Giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định.

- Thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội.

- Thay đổi cảm xúc và nhân cách.

Cách khắc phục?

Chứng suy giảm trí nhớ ở giai đoạn còn sớm có thể chữa được hoặc làm quá trình tiến triển bệnh chậm lại, giúp người bệnh có cuộc sống tốt hơn bằng cách:

Ngủ đủ: Giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng với thần kinh và trí nhớ. Với hệ thần kinh, giấc ngủ giúp hệ thần kinh phục hồi phần năng lượng tiêu hao, thải loại bớt ra ngoài chất độc tích tụ: phòng ngủ phải êm ái, nhiệt độ phòng ngủ nên duy trì ở mức nhiệt độ 28-29 độ. Thoáng khí giúp đủ oxy. Ngoài ra, cần giữ cơ thể sạch sẽ trước khi đi ngủ; không sử dụng rượu, bia hay chất kích thích trước khi ngủ.

Đọc sách, báo, chơi ô chữ: Cách thức hữu hiệu nhất cho người bị suy giảm trí nhớ là tập cho trí nhớ, bắt não bộ tư duy. Chúng ta thực hiện bằng cách đọc sách, báo hay chơi ô chữ theo kế hoạch. Không nên làm nhiều việc cùng một lúc sẽ làm cho tế bào thần kinh rơi vào kiệt quệ.

Vận động đủ lượng: Vận động là phương cách làm cơ thể mệt mỏi, bị tiêu hao năng lượng nên vận động là “mồi” cho ngủ ngon. Vận động làm tăng lưu thông máu lên não bộ nên tăng khả năng nuôi dưỡng cho não bộ. Vận động làm tăng số vòng tuần hoàn qua não nên vận động vừa sức sẽ giúp tăng thải độc cho thần kinh. Có mối quan hệ hài hòa với mọi người xung quanh giúp người cao tuổi giải phóng hormon có hại cho trí nhớ, tăng tiết các hormon yêu đời.

Thành An