Biết mình để được tổ chức
Năm 2020 là năm Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đại hội có nhiều nội dung nhưng chung quy lại có hai nội dung quan trọng nhất: Một là nghị quyết lãnh đạo sát đúng; hai là lựa chọn nhân sự lãnh đạo “đúng người, đúng việc”. Mà để nhân sự “đúng người, đúng việc” thì có hai điểm quan trọng là “cơ cấu hợp lý, tiêu chuẩn phù hợp”. Trong đó, tiêu chuẩn là tiêu chí quân trọng nhất rồi đến cơ cấu. Có một thời, vì quá chú trọng vấn đề cơ cấu nên nhiều nơi xem nhẹ vấn đề tiêu chuẩn. Khiến cho nhiều cán bộ có đức, có tài phải thốt lên rằng: “Mười năm phấn đấu không bằng một giờ cơ cấu”.
Nhưng, tôi rất bất ngờ khi đọc Hồi ký “Còn trong ký ức” của Thượng tướng Nguyễn Văn Được, do Nhà xuất bản QĐND phát hành. Từ khi còn là Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi, ông đã kiên quyết từ chối chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, một chức vụ rất quan trọng, đứng đầu hệ thống chính trị cả một địa phương. Chuyện là, năm 1991, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi chuẩn bị nhân sự bầu Bí thư Tỉnh ủy cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14. Quá trình phát hiện, Tỉnh ủy muốn giới thiệu đồng chí Nguyễn Văn Được - Anh hùng
LLVTND, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi (nay là Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam) làm nguồn dự bầu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Đồng chí Phạm Văn Đồng - Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng, khi vào chỉ đạo chuẩn bị Đại hội cũng “chấm” đồng chí Nguyễn Văn Được.
Nhưng khi Cố vấn Phạm Văn Đồng gặp, nêu dự kiến của T.Ư và Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Được trình bày: “Cháu cảm ơn bác và cấp trên đã tin tưởng cháu, nhưng cháu nghĩ trình độ, năng lực của cháu có hạn. Ba mươi năm nay cháu chỉ công tác trong Quân đội, liên tục chiến đấu, chỉ huy chiến đấu, học hành chắp vá, không thật cơ bản. Vì vậy, cháu mong bác cũng như cấp trên cho cháu công tác trong Quân đội. Hiện trong tỉnh, có một số anh có thể đảm trách vị trí đó”.
Sau đó, nhiều lần, Cố vấn Phạm Văn Đồng đều khuyên đồng chí Nguyễn Văn Được chấp nhận việc chuyển sang vị trí công tác mới. Vì trân trọng, quý mến tình cảm của Cố vấn Phạm Văn Đồng, ngại phải giải thích quan điểm của mình, nhiều lần, đồng chí Nguyễn Văn Được phải tìm cách tránh gặp đồng chí Phạm Văn Đồng.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 14 đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Được vào Tỉnh ủy với số phiếu cao nhất. Phiên họp đầu tiên bầu các chức danh lãnh đạo, nhiều ý kiến tiếp tục giới thiệu đồng chí Nguyễn Văn Được làm Bí thư Tỉnh ủy nhưng đồng chí kiên quyết từ chối. Việc bầu Bí thư, Phó bí thư Tỉnh ủy đành hoãn chờ phiên sau. Trong thời gian chưa có bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã phân công đồng chí Nguyễn Văn Được (người trúng cử Tỉnh ủy với số phiếu cao nhất) kết luận Đại hội. Và đồng chí đã hoàn thành rất tốt công việc “bất đắc dĩ” ấy.
Sau Đại hội, BTL Quân khu 5 điện mời đồng chí Nguyễn Văn Được ra làm việc. Đến nơi thì có Thượng tướng Lê Khả Phiêu - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (năm 1997, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa VIII); Trung tướng Phan Hoan - Tư lệnh Quân khu, Trung tướng Nguyễn Huy Chương - Phó tư lệnh về Chính trị quân khu... Biết nội dung cấp trên gặp rồi nên đồng chí Nguyễn Văn Được trình bày: “Em biết các thủ trưởng cho gọi em ra vì chuyện gì rồi. Em xin các thủ trưởng cho em ở lại Quân đội. Nếu vì không nhận làm Bí thư Tỉnh ủy mà vi phạm kỷ luật thì cho em ra quân, trước sau gì em cũng không nhận”.
Tỉnh ủy Quảng Ngãi họp phiên thứ hai, vì đồng chí Nguyễn Văn Được đã trình bày mọi nhẽ nên Tỉnh ủy không bầu làm Bí thư Tỉnh ủy nữa mà bầu đồng chí giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Đồng chí đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi trong 3 năm, cho đến năm 1993 thì được cấp trên bổ nhiệm Phó tư lệnh Quân khu 5. Lần lượt sau đó, đồng chí phát triển lên Tư lệnh Quân khu 5, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng...
Trong cuộc đời mỗi con người, không ai biết trước được tương lai của mình. Bình thường, khi được tổ chức chú ý, muốn bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn thì ai cũng mừng, cảm ơn tổ chức và nhận chức vụ chứ hiếm khi có người từ chối. Trường hợp từ chối chức vụ cao hơn vì thấy chức vụ ấy không phù hợp với năng lực, kinh nghiệm, sở trường của mình là điều rất hiếm. Sự hiếm ấy càng trở nên đáng quý khi người từ chối thực lòng chỉ nghĩ đến tổ chức.
Biết mình để được tổ chức là điều mà mỗi cán bộ, đảng viên cần tự xây dựng cho mình. Đó là điều rất quan trọng để Đại hội Đảng các cấp trong năm 2020 đạt được mục tiêu về xây dựng nhân sự với cơ cấu hợp lý, tiêu chuẩn phù hợp.
Nguyễn Hồng