Biến rác thải thành điện
Theo Công ty Môi trường đô thị thành phố, bãi rác Gò Cát (quận Bình Tân) có diện tích 25ha với số lượng 5,3 triệu tấn rác thải sinh hoạt được tập kết từ cuối năm 2000 đến tháng 7-2007 (thời điểm đóng bãi). Từ năm 2002, thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty quản lý bãi rác. Dựa trên những điều kiện thuận lợi về hạ tầng tại khu xử lý này, đầu năm 2017, Công ty Môi trường đô thị phối hợp Công ty TNHH Thủy lực-Máy đề xuất với UBND thành phố thực hiện đề án thực nghiệm xây dựng Nhà máy điện rác Gò Cát. Cùng với đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng lưới điện nhằm hỗ trợ nhà máy điện rác hòa vào lưới điện quốc gia. Theo đó, nhà máy thực hiện thu khí mê tan từ bãi rác Gò Cát (đã đóng cửa) để phát điện. Hoàn thành và đi vào hoạt động từ cuối tháng 4-2017, đến nay Nhà máy điện rác Gò Cát đã xử lý khoảng 500 tấn rác thải công nghiệp, tái tạo ra 7MW điện hòa vào lưới điện quốc gia.
Công nghệ điện rác có thể xử lý chất thải rắn mà không cần phân loại trước, phù hợp với đặc thù rác thải của Việt Nam và là điểm khác biệt đối với một số công nghệ khác hiện nay. Kết quả thử nghiệm cho thấy, đây hoàn toàn có thể trở thành một trong những giải pháp xử lý rác tiên tiến, bảo vệ môi trường mà thành phố đang tìm kiếm. Để biến thành năng lượng điện, nguồn rác công nghiệp (hỗn hợp rác) khi tập kết về nhà máy sẽ được đưa vào khoang chứa vận chuyển và nhả rác vào hệ thống máy cắt theo định lượng. Sau khi cắt nhỏ, rác sẽ được đưa vào tổ hợp các máy ép định hình dạng viên nhằm chuẩn hóa tương đối trong điều kiện thiếu ôxy và chuyển hóa từ pha rắn sang pha khí (chủ yếu là CO2, H2...), dùng làm nhiên liệu chạy máy phát điện. Trong quá trình hoạt động, máy phát điện đã hòa lưới điện ổn định, không có sự cố giúp hệ thống chiếu sáng từ điện rác hiệu quả. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, mưa liên tục, kho bãi thiếu, thiếu mặt bằng lắp đặt hệ thống giải nhiệt nước làm nguội khí tổng hợp cũng gây nên tình trạng phát tán mùi. Để khắc phục tình trạng này, nhà máy lắp đặt, bao che các thiết bị ở khu vực khí hóa, hệ thống lọc tĩnh điện để không phát tán mùi; đồng thời điều chỉnh hệ thống ống cấp khí cho các máy phát điện nhằm chạy đủ công suất của máy. Với công nghệ điện rác có thể xử lý chất thải rắn mà không cần phân loại, phù hợp với đặc thù rác thải của Việt Nam. Bản chất của công nghệ này là chuyển hóa các vật chất từ dạng rắn sang dạng khí bằng phương pháp nhiệt hóa trong điều kiện thiếu ôxy nên không phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Tỷ suất đầu tư công nghệ cũng chỉ bằng 1/3 so với công nghệ của nước ngoài.
Theo các nhà khoa học, mô hình Nhà máy điện rác Gò Cát cần được khuyến khích trong điều kiện môi trường tại các đô thị lớn vốn đang bị quá tải bởi rác thải. Dự án nhà máy này đã gợi mở một triển vọng lớn cho thành phố lớn nhất nước, biến hàng nghìn tấn rác thải mỗi ngày thành điện năng cung cấp cho người dân. Việc xử lý rác thải với quy trình phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tái tạo thành năng lượng là điều kiện tiên quyết để các thành phố trở thành đô thị văn minh, sạch đẹp.
Bài và ảnh: Gia Bảo