Tại cuộc họp, nhiều ý kiến tập trung phân tích nhằm tìm ra giải pháp để thoát nghèo bền vững. Kết quả tổng quan cho thấy việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tính theo chuẩn nghèo quốc gia, tỷ lệ nghèo năm 2005 là 22,3%; năm 2010 là 14,2%; và hạ xuống còn 9,6% vào cuối năm 2012, tương ứng với khoảng 2,1 triệu hộ nghèo. Chính sách giảm nghèo đã hướng đến nâng cao chất lượng giảm nghèo và chuyển sang mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, nhiều nguyên nhân khách quan có, chủ quan có dẫn tới việc tái nghèo, phát sinh nghèo có tỷ lệ rất cao. Trong đó có nguyên nhân quan trọng là do quá nhiều chính sách nên nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo bị phân tán, thiếp tập trung, khó đánh giá hiệu quả tác động riêng của từng chính sách, chương trình đối với kết quả giảm nghèo của đối tượng thụ hưởng, còn nữa là một số chính sách bị trùng chéo, hoặc phân tán trong quá trình triển khai thực hiện…
Làm thế nào để thoát nghèo bền vững là câu hỏi đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách. Muốn giảm nghèo bền vững thứ nhất phải có chính sách để người dân có tư liệu sản xuất, có việc làm vì sau khi học nghề mà dân không có việc làm thì không có thu nhập nên không thể thoát nghèo được. Thứ hai là cần có định hướng kế hoạch dài hạn 5 năm và ngắn hạn 1 năm cho công tác xóa nghèo để có nguồn lực kinh phí cụ thể để triển khai và cũng cần có chính sách vừa có hỗ trợ của nhà nước, vừa có khoản đối ứng và khoản cho vay để người dân tự chủ sản xuất, tránh ỷ lại Nhà nước thì động lực thoát nghèo mới mạnh. Thứ ba nữa là hiện chưa có chính sách khuyến khích thoát nghèo, mức để mở rộng sản xuất. Ranh giới nghèo, cận nghèo rất mong manh, chưa có cơ sở xác định, vì vậy cần xây dựng bộ tiêu chí giảm nghèo trong giai đoạn 2015-2020. Đặc biệt, cần rà soát lại chính sách vì các chính sách cho người nghèo vay đang có sự chồng chéo, trùng lắp, từ đó dẫn đến sự phân bổ nguồn lực bị tản mạn, khiến phân tán, không có nguồn lực. Ví dụ cùng là chính sách cho người nghèo vay nhưng lại có đến 6-7 quyết định cho hộ nghèo vay với các hình thức khác nhau. Ngoài ra, hộ nghèo mới thoát nghèo ở ngưỡng cận nghèo thì cần phải có độ trễ về chính sách, tức là vẫn hỗ trợ, nhưng hỗ trợ mức thấp hơn để người dân "có đà” mà thoát nghèo. Cũng phải nói rằng, không chỉ việc hỗ trợ thoát nghèo chỉ có từ trung ương mà các địa phương cũng cần phải vào cuộc để từ đặc thù của từng nơi tìm ra các giải pháp thích hợp nhất.
Vậy để giảm nghèo bền vững, theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về giảm nghèo thì: Tất cả các bộ, ngành, địa phương cần phải rà soát lại chính sách, vướng ở đâu thì phải sửa, tránh chồng chéo, Nếu chính sách thấy quá bất hợp lý phải đề xuất để sửa đổi kịp thời, không để tạo ra lãng phí ngân sách, kém hiệu quả, tuy nhiên không được làm gián đoạn quá trình thực hiện giảm nghèo hiện đang triển khai. Đồng thời có chính sách phù hợp hỗ trợ khuyến khích người dân thoát nghèo, tạo điều kiện để người dân sản xuất, có công ăn việc làm, thu nhập để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mai Anh