Biển Đông trước cơn sóng cả

Hôm 30-9, Trung Quốc điều một tàu chiến thuộc lớp Lữ Dương II cản trở khu trục hạm USS Decatur của Mỹ đang tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hải quân Mỹ xác nhận tàu chiến này của Trung Quốc cơ động càng lúc càng gần khu trục hạm Mỹ, đồng thời phát cảnh báo yêu cầu tàu Mỹ rời khỏi khu vực. Đáng chú ý, có thời điểm con tàu này của Trung Quốc vượt lên, chạy cắt mũi tàu USS Decatur khoảng 41m, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm.
Diễn biến trên cho thấy, cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông hung hăng hơn rất nhiều so với trước đây ở các khu vực đảo, đá của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng và tôn tạo trái phép. Các tàu chiến, máy bay của Mỹ hay các nước khác tham gia tuần tra tự do hàng hải hoặc hàng không trong khu vực này thường bị Trung Quốc lên sóng cảnh báo hoặc cho tàu chiến đi theo sau các tàu tuần tra. Lần cắt mặt tàu Mỹ này đã khiến tình trạng chuyển sang thế đối đầu và tăng nguy cơ xung đột.
Căng thẳng sẽ không có chiều hướng suy giảm bởi các quan chức cấp cao Mỹ đã công khai chỉ trích và răn đe Trung Quốc sau hành động này. Mặt khác, Mỹ và nhiều nước như Nhật Bản, Australia, Anh... đều có kế hoạch tăng cường các chiến dịch tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Với việc tăng các chiến dịch tuần tra và cách hành xử ngày càng hung hăng hơn của Trung Quốc nguy cơ xảy ra đụng độ dẫn đến xung đột quân sự là rất cao.
Biển Đông càng nổi sóng to hơn bởi Mỹ và Trung Quốc đang leo thang chiến tranh thương mại. Sức ép về kinh tế liên quan rất lớn đến xung đột quân sự. Chiến tranh thương mại hẳn khác nhiều với cạnh tranh thương mại khi lợi ích kinh tế của một cường quốc bị đe dọa. Cuộc chiến thương mại này chưa có hồi kết, nhưng nó sẽ được phát lộ qua các động thái quân sự của các bên dù về mặt chính trị sẽ chẳng quan chức nào của cả Mỹ và Trung Quốc nói ra điều này.
Trước đây, cá lớn nuốt cá bé khi các nước phương Tây có tàu bè và vũ khí hiện đại đến châu Á “ngoại giao pháo hạm”, dùng vũ khí răn đe bắt đối phương khuất phục và chiều theo ý đồ của mình. Tình hình giờ khác nhiều. Trung Quốc và Mỹ là hai cường quốc đối đẳng. Một khi có đụng độ dẫn đến xung đột vũ trang trên Biển Đông, tất cả các quốc gia xung quanh khu vực sẽ bị tác động tiêu cực.
Do vậy, căng thẳng chỉ có thể được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Nếu các nước có đóng góp thiết thực và tích cực để duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương thì sóng trên Biển Đông sẽ giảm cấp.
Ngọc Hưng