Biển Đông nổi sóng tại Shangri-La 15
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ-Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc có những hành động bành trướng ở mức chưa có tiền lệ, đặc biệt là hoạt động cải tạo, bồi đắp không ngừng, quy mô lớn của Trung Quốc ở các bãi đá ngầm trên Biển Đông. “Trung Quốc đang lạc bước với những quy tắc và chuẩn mực quốc tế về việc sử dụng ngoại giao, phản đối bắt nạt”-ông Carter nói. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã có hành động và lên tiếng quan ngại ở cấp cao nhất, ở các cuộc họp khu vực và diễn đàn quốc tế. Theo ông Carter: “Hệ quả tất yếu là các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm cô lập quốc gia này. Nếu các hành động như trên cứ tiếp diễn, Trung Quốc có thể rơi vào thế tự dựng Vạn Lý Trường Thành để giam mình”. Ông Carter nhấn mạnh: Hoa Kỳ xem phán quyết của Tòa trọng tài thường trực của LHQ sắp tới về đơn kiện Trung Quốc của Philippines liên quan đến Biển Đông là “Cơ hội để Trung Quốc và các nước trong khu vực tái cam kết về một tương lai có nguyên tắc, đổi mới về ngoại giao và giảm thiểu căng thẳng”. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng tuyên bố nước này sẽ can dự mạnh hơn vào khu vực, cụ thể sẽ “Tiếp tục bay, điều tàu thuyền và hoạt động ở mọi nơi luật quốc tế cho phép, vì lợi ích từ khu vực này là rất lớn”.
Bộ trưởng Quốc phòng các nước Pháp, Nhật Bản, Canada… đều đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự do, an toàn, an ninh hàng hải tại Biển Đông; đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc Luật Biển theo Công ước quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp-Jean Yves le Drian đề xuất hải quân các nước châu Âu phối hợp tuần tra tại các vùng biển châu Á để thúc đẩy trật tự hàng hải. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản-Gen Nakatani cho biết: Tokyo sẽ giúp các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng an ninh để đối phó những hành động đơn phương, nguy hiểm ở Biển Đông.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn Việt Nam khẳng định quan điểm, lập trường của Việt Nam là kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ và coi đây là nguyên tắc cao nhất, vừa hợp tác vừa đấu tranh để phát triển cũng như giải quyết tranh chấp, bất đồng. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng cho rằng những tranh chấp hiện nay nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang, đối đầu chiến lược với những hậu quả hết sức nghiêm trọng và khó lường. Trước đó, trả lời câu hỏi của báo Nhật Bản Asahi Shimbun về việc Trung Quốc thường xuyên tuyên bố hợp tác với các nước ASEAN nhưng vẫn không ngừng tôn tạo, bồi đắp các bãi đá ở Biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng những hành động đó làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc; các nước cần có tiếng nói chung cho thấy cộng đồng quốc tế quan ngại về các hành động này của Trung Quốc.
Cũng giống như khi tham dự Đối thoại Shangri-La năm 2015, Đô đốc Tôn Kiến Quốc-Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc một lần nữa đã từ chối trả lời các câu hỏi “đụng chạm” đến lập luận của Bắc Kinh trong phần thảo luận, hoặc trả lời lan man, không đúng trọng tâm. Ông Tôn đơn giản chỉ đọc bài phát biểu đã chuẩn bị về Biển Đông, đưa ra bài học lịch sử và lên án Philippines-nước đã “dám” kiện các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ra một tòa án quốc tế. Trung Quốc cũng tận dụng Đối thoại Shangri-La để phát hành tờ rơi tuyên truyền cho luận điệu sai trái lâu nay của Trung Quốc, trắng trợn nói hai quần đảo Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) là phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Đối thoại Shangri-La hay Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á là một diễn đàn an ninh liên chính phủ được tổ chức hằng năm bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) của Anh và Chính phủ Singapore. Ngoài vấn đề Biển Đông, Đối thoại Shangri-La năm nay tập trung thảo luận việc kiểm soát sự cạnh tranh quân sự ở châu Á, việc tăng cường hợp tác chống khủng bố Hồi giáo cực đoan ở châu Á, tình hình bán đảo Triều Tiên, vấn đề công nghệ quân sự, những thách thức an ninh liên quan đến việc di cư… Đối thoại năm nay có số lượng đại biểu nhiều nhất từ trước tới nay (gần 600 người), trong đó có các quan chức quốc phòng từ hơn 30 quốc gia trong và ngoài khu vực cùng đông đảo giới học giả quốc tế.
Đăng Song