Biển Đông làm “nóng” diễn đàn Đối thoại Shangri-La

Trong khuôn khổ của Đối thoại Shangri-La 2014, diễn ra năm phiên họp toàn thể về các chủ đề: đóng góp của Mỹ vào ổn định ở khu vực; thúc đẩy hợp tác quân sự; giải quyết các mối quan hệ căng thẳng mang tính chất chiến lược; triển vọng hòa bình và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương; và đảm bảo giải quyết xung đột tại châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, hội nghị cũng có 5 phiên họp đặc biệt về thách thức của việc duy trì và giải quyết các vùng biển khơi; ảnh hưởng của năng lực quân sự mới tại châu Á-Thái Bình Dương; biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương; ASEAN và trật tự an ninh khu vực đang nổi; và tương lai của Triều Tiên liên quan với an ninh khu vực.
Tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 này, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã khẳng định lại chủ trương của Việt Nam là kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị Trung Quốc lập tức rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê, với tư cách là diễn giả chính của Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, đã trình bày bài phát biểu dẫn đề của đối thoại năm 2014. Thủ tướng A-bê bày tỏ sự ủng hộ của Nhật Bản với các nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc đảm bảo an ninh tại các khu vực biển và bầu trời cũng như việc duy trì tự do hàng hải và tự do cho các chuyến bay trên không. Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê đã cam kết ủng hộ các nước ASEAN trong các vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đồng thời khẳng định việc sử dụng vũ lực và hăm dọa hòng thay đổi hiện trạng là hành động không thể biện hộ.
Thủ tướng A-bê nêu rõ: “Chính phủ (Nhật Bản) ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Phi-líp-pin trong việc kêu gọi giải quyết tranh chấp tại Biển Đông thực sự phù hợp với ba nguyên tắc đó” và “Chúng tôi cũng ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề thông qua đối thoại”. Ông A-bê kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Ủng hộ mạnh mẽ những tuyên bố trên của Thủ tướng Nhật Bản, đại diện cho phía Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Chấc Hây-gen cho biết Mỹ cam kết tái cân bằng địa chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và “Sẽ không nhìn sang nơi khác một khi các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế vẫn đang bị thách thức ở đây”. kiên quyết phản đối bất cứ quốc gia nào sử dụng hăm dọa, cưỡng ép và đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền của mình.
Về phần Trung Quốc, trước việc bị chỉ trích mạnh mẽ ngay từ phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La về những hành động gây hấn của Trung Quốc với các nước láng giềng thời gian qua, nước này đã có những phát ngôn thể hiện những phản ứng tiêu cực, tìm cách đổ lỗi cho các nước khác, nhằm lấp liếm những hành động sai trái. Ngay lập tức, những luận điệu này của Trung Quốc vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận thế giới. Không ít người nói thẳng ra bản chất bên trong các tuyên bố của Trung Quốc. Họ không tin vào những gì Trung Quốc nói.
Phát biểu sau ngày họp, Bộ trưởng Quốc phòng Xin-ga-po Eng Hen nhấn mạnh, các nước đều có mong muốn giảm căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, thử thách biến những mong muốn đó thành các biện pháp thực tế. Ông Eng Hen nói: “Có một sự tương đồng chung đó là chúng ta đều muốn tình hình không leo thang căng thẳng. Chúng ta đều nhận ra rằng, các bước tiến phụ thuộc nhiều vào hòa bình và sự ổn định. Tuy nhiên, chưa có đủ các biện pháp xây dựng lòng tin cũng như chia sẻ quyết tâm chung rằng, tranh chấp cuối cùng cũng sẽ dẫn đến nhiều mất mát và đau đớn. Tránh xung đột là một kết quả hữu ích”.
Các bộ trưởng tham gia diễn đàn cũng thừa nhận rằng, những thách thức khu vực đang phải đối mặt cần có cam kết của tất cả các bên liên quan giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời phải có những bước đi cụ thể để giảm căng thẳng hiện nay nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Đồng Đức