Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Việt-Lào: Nơi quy tụ nghĩa tình hai dân tộc

Từ biên giới, địa hình dốc dần về phía Tây. Đường 12 trải nhựa nhẵn lì nhưng quanh co liên tục. Những chiếc xe tải lặc lè cõng trên lưng mấy chục tấn thạch cao rì rì leo dốc. Những chiếc công-ten-nơ cao lớn chông chênh, nghiến phanh ken két xuống dốc hướng về Thà Khẹc cách hơn 100km. Gần đến bản Nà Phầu, chúng tôi đã thấy thấp thoáng bóng người, bóng cờ... trên vạt đất rộng, những cảnh sát nước bạn Lào hướng dẫn từng chiếc xe vào chỗ đỗ. Rất đông những nam nữ thanh niên Lào-Việt đã đến đây từ sáng để chuẩn bị cho Lễ khánh thành.
Trung tâm Lễ khánh thành là bia tưởng niệm mới được xây dựng rất ấn tượng. Thân bia bằng đá nguyên khối, bên dưới chạm khắc hình tượng hoa sen Việt Nam và hoa Chăm-pa Lào. Mặt bia là Quốc kỳ của hai nước và dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ Lào và Việt Nam hi sinh ở Lằng Khằng, tỉnh Khăm Muộn trong chiến đấu chống đế quốc xâm lược”, bằng tiếng Việt và tiếng Lào. Chưa đến giờ khánh thành buổi lễ nên mọi người tranh thủ trò chuyện, tìm hiểu về sự tích công trình hôm nay. Tôi bị hút về phía phiến đá dưới tán cây, nơi Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (Phó chủ tịch Hội Trường Sơn) đang giở ra cho mọi người xem bức ảnh chụp chính phiến đá này ngày 13-5-2012 và bài báo “Linh thiêng bản Nà Phầu” của nhà báo Trần Hoàng Tiến. Mọi người đứng quanh nghe ông kể: “Trong hành trình về thăm chiến trường xưa, hai năm về trước, Đoàn cán bộ của chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã “vô tình” dừng nghỉ bên phiến đá dưới tán cây này. Thật kỳ lạ, trong thời khắc đó, giữa trưa hè oi nóng mà từ phiến đá như tỏa ra làn khí mát lạnh, ngọn lá trên tán cây cũng khẽ rì rào lay động. Dường như đã có cuộc hội tụ về đây của những liệt sĩ để nhắc nhở những đồng đội về sự tồn tại của họ. Với sự mẫn cảm đặc biệt, nhà sư Thích Trung Sơn đề xuất tiến hành một lễ cầu siêu nhỏ. Như một sự trùng hợp hay là sự sắp đặt tự nhiên mà bên cạnh chỗ đá khá bằng phẳng lại có một hốc nhỏ có thể cắm hương. Ngay khi nhà sư thỉnh tiếng chuông đầu tiên, một chùm ánh sáng từ trên cao xuyên qua tán lá cây rọi đúng vào nơi bày lễ vật cầu siêu. Những chú bướm trắng, bướm vàng từ đâu bay đến đậu quanh phiến đá. Có phải đây là thời khắc âm dương hội ngộ? Có phải tấm chân tình của chúng tôi đã thấu đến các anh linh? Trong làn khói hương kỳ ảo linh thiêng, mọi người đều nghĩ đến việc cần xây dựng Bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh trên tuyến đường 12 này. Một cuộc quyên góp nhanh chóng, các thành viên trong đoàn ủng hộ được 52 triệu đồng. Ý nguyện xây dựng Bia tưởng niệm đã được hình thành bên phiến đá thiêng này như thế…”.
Câu chuyện ông Tuấn kể đã làm ngỡ ngàng xúc động những người nghe, ngay cả ngài Ka Tô-Chủ tịch hội đồng quản trị Suntory Pepsico Việt Nam (nhà tài trợngười Nhật Bản) mặc dù không hiểu nội dung, nhưng ông vẫn chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối với ánh mắt ngưỡng mộ. Ngọn cây, hòn đá vốn vô tình, chính tấm chân tình của con người đã tạo nên những linh hồn cho cây, cho đá.
Ông Trần Tiến Dũng-Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chào đón nồng nhiệt ông Xổm-xay Phết-xì-nuôn-Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn. Tỉnh đoàn Quảng Bình với sự hỗ trợ của tỉnh Đoàn Khăm Muộn là đơn vị được giao nhiệm vụ Chủ đầu tư xây dựng Bia di tích, hôm nay là Trưởng ban tổ chức.
Lễ khánh thành bắt đầu với những nghi lễ trang trọng. Mở đầu là bản báo cáo quá trình xây dựng Bia tưởng niệm của đồng chí Nguyễn Văn Thái-Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình. Ông Trần Thế Tuyển-nguyên Tổng biên tập Báo SGGP, nay là cố vấn của chương trình NTTS đã có bài phát biểu nêu rõ: Từ một ý nguyện của các cựu binh Trường Sơn hai năm về trước, Chương trình NTTS cùng các nhà tài trợ đã biến ý nguyện ấy thành tấm bia tưởng niệm hôm nay. Chương trình NTTS-Báo SGGP đã và sẽ tiếp tục làm những công việc tri ân với những người đã góp xương máu của mình cho hạnh phúc của hai dân tộc Việt-Lào.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, với tư cách là nhân chứng lịch sử trên con đường này, ông xúc động kể lại: “Từ năm 1961, được sự đồng ý của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đường 129 được xây dựng gấp từ Lằng Khằng về đường 9 tại KêPô. Từ đó những chiếc xe ô tô chở nhu yếu phẩm, quân trang, quân dụng đầu tiên đã vượt đèo Mụ Giạ theo đường 12 vào tỉnh Khăm Muộn, vào đến Mường Phìn chi viện cho bộ đội Việt Nam và bộ đội Pha thét Lào. Đường 12 là cửa khẩu cơ giới đầu tiên của Đoàn 559. Từ năm 1964, phát hiện ra vai trò chiến lược của đường 12, máy bay Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt để ngăn chặn, phá hoại con đường. Nhiều địa danh như: Mụ Giạ, Lằng Khằng, Xiêng Phan, Xóm Péng…đã trở thành các tọa độ lửa. Nhiều chiến sĩ lái xe đã hi sinh trên tay lái, nhiều chiến sĩ công binh, nữ thanh niên xung phong hiến trọn tuổi trẻ của mình trên mảnh đất này…”. Người cựu lái xe Trường Sơn không cầm được nước mắt, nghẹn ngào: “Thay mặt các cựu binh Trường Sơn và cả những đồng đội của tôi còn nằm đâu đó quanh đây, xin cảm ơn Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, cảm ơn tuổi trẻ hai tỉnh Quảng Bình, Khăm Muộn, cảm ơn các nhà tài trợ đã xây dựng Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của hai dân tộc Lào-Việt Nam ở bản Na Phầu này. Đây sẽ là một địa chỉ tâm linh, một địa danh du lịch trong tương lai...”.
Ông Xổm-xay-phết Xì-nuôn, Phó tỉnh trưởng Khăm Muộn phát biểu: Chiến tranh đã đi qua, nhưng tình hữu nghị của hai dân tộc Việt-Lào vẫn luôn bền chặt. Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã từng nói: “Do có con đường Hồ Chí Minh qua đất Lào mà nhân dân Lào đã chịu đựng hơn 3 triệu tấn bom của giặc Mỹ, đóng góp một phần làm cho Việt Nam có điều kiện thuận lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam”. Riêng ở huyện Bua-la Pha này không có bản nào là không chịu bom đạn, không có con suối, cánh rừng nào là không bị tàn phá, nhưng ở đâu cũng có những câu chuyện cảm động về tình hữu nghị giữa bộ đội Việt Nam và những người dân Khăm Muộn. Trong chiến tranh, máu của những người con hai dân tộc Việt-Lào cùng thấm đỏ mảnh đất này. Tấm bia tưởng niệm khánh thành hôm nay là một việc nhằm tri ân với những anh hùng liệt sĩ trên con đường 12 này…”
Ông Trần Tiến Dũng-Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu nêu bật ý nghĩa của Bia di tích, về tình hữu nghị của hai tỉnh Quảng Bình-Khăm Muộn.
Lễ khánh thành Bia tưởng niệm kết thúc. Chúng tôi về Việt Nam với bộn bề cảm xúc.
Một tấm bia tưởng niệm mà quy tụ nghĩa tình Lào-Việt, quy tụ tình cảm của thế hệ trẻ, của nhân dân cả nước, của bạn bè quốc tế đến với các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trên tuyến đường Trường Sơn một thuở.
Bài và ảnh: Vũ Trình Tường