Bí quyết giúp báo chạy nhanh nhất hành tinh (11/09/2012)

Các nhà nghiên cứu của Đại học Yamaguchi tại Nhật Bản vẽ bản đồ các bó cơ của loài động vật thuộc họ mèo để tìm hiểu lý do tại sao chúng có thể đạt tới tốc độ kỷ lục. Đây là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu sự phân bố của các bó cơ trong toàn bộ cơ thể báo.

Tiến sĩ Naomi Wada, một nhà nghiên cứu của Đại học Yamaguchi tại Nhật Bản, cho biết, các bó cơ khác nhau phù hợp với những hoạt động khác nhau.

Khi so sánh các bó cơ của báo cheetah với bó cơ của mèo và chó, các nhà khoa học phát hiện ra sức đẩy đặc biệt nằm trong những bó cơ của hai chi sau. Các nhà khoa học thấy rằng bó cơ loại I sinh ra lực lực yếu nhưng khả năng chịu đựng bền bỉ, phù hợp với hoạt động chạy chậm hoặc duy trì tư thế nào đó trong thời gian dài.

Bó cơ loại IIa phù hợp với hoạt động di chuyển nhanh hơn, sức chịu đựng vừa phải, trong khi cơ loại IIx tạo ra lực chạy cực mạnh nhưng sức chịu đựng kém, phù hợp với hoạt động như phi nước đại.

Bản đồ phân bố của các bó cơ trong cơ thể báo cheetah giúp các nhà khoa học hiểu tại sao loài động vật có khả năng chạy nước rút ấn tượng.

“Hầu hết bó cơ loại I nằm trong hai chân trước của báo đốm, trong khi hai chân sau gồm rất nhiều bó cơ thuộc loại IIx. Sự khác biệt về chức năng giữa chân trước và chân sau là điểm nổi bật nhất ở loài báo cheetah”, tiến sĩ Wada giải thích.

Kết quả nghiên cứu cho thấy lực chạy của cheetah được tạo ra do hai chân sau, giống như cách vận hành của xe ô tô. Chân trước của báo đốm không sinh nhiều lực mà có chức năng cân bằng khi cần giảm tốc độ và quay hướng.

Nhưng hầu hết ô tô hiện nay chưa thể bắt chước quá trình tăng tốc cực nhanh của báo đốm: tăng từ 0 tới 100 km/giờ chỉ trong vòng 3 giây. Những nghiên cứu trước đây cho thấy sải chân dài 7m của báo đốm giúp nó đạt tới khả năng đáng kinh ngạc đó. Với hai cặp chân dài và linh hoạt, cơ thể báo cheetah lơ lửng trên không trung trong hơn nửa thời gian của quá trình chạy.

Quỳnh Anh (TH)