Ông Chung cho biết: Năm 1974, vợ chồng ông mua nhà số 230b, tổ 23 phường Vĩnh Tuy, TP Hà Nội, diện tích 346m², bên bán là vợ chồng ông Đoàn Duy Thanh, Dương Thị Học, có đủ văn tự, người làm chứng, làm thuế trước bạ sang tên đổi chủ. Vào thời gian này ông Nguyễn Bách thường xuyên đến thăm vợ chồng ông. Thấy vợ chồng em nghèo, ông Bách giúp đỡ và cho em vay tiền làm ăn. Năm 1992, Hà Nội có cơn sốt đất, ông Bách đề nghị ông Chung chia mảnh đất đang sử dụng nhưng ông Chung không đồng ý. Tháng 4-1996, ông Bách gửi đơn ra UBND phường Vĩnh Tuy nêu lí do năm 1974 ông góp 1.900 đồng để mua chung đất với ông Chung, nay ông muốn lấy đất thì ông Chung không trả. UBND phường xét ông Bách không có chứng cứ tin cậy về việc mua chung đất nên không xem xét, ông Bách phải rút đơn về. Năm 2002, ông Bách khởi kiện ra Toà dân sự TAND quận Hai Bà Trưng. Phiên toà sơ thẩm do bà Lê Hoàng Lan làm chủ tọa, Hội đồng xét xử căn cứ lời khai của các nhân chứng là ông Lưu Thành Miện (sinh năm 1932), ông Dương Đại Hành (sinh năm 1950) “nghe nói” ông Bách chung tiền mua nhà đất với ông Chung; ngoài ra, tháng 3-1991 bà Đúm làm đơn xin phân nhà gửi Nhà máy dệt 8-3 đã viết bà “ở nhờ trên đất anh trai, tôi đứng ra mua hộ” để xác định đây là đất mua chung. Bản án số 02/DSST đã chia đôi diện tích, ông Chung và ông Bách mỗi bên sử dụng 171m². Ông Chung kháng án, TAND TP Hà Nội xử phúc thẩm trong 3 ngày, từ 19 đến 21-8-2003. Ông Chung đưa ra đơn gửi Nhà máy dệt 8-3 của bà Đúm vào năm 1991, trong đơn viết “ở nhờ trên đất anh trai, tôi đứng ra mua”. Như vậy, Toà dân sự TAND quận Hai Bà Trưng đã thêm vào chữ “hộ”, dẫn đến kết luận sai lệch về bản chất sự việc. Lời khai của 2 nhân chứng thì chỉ là “có nghe nói” mà không ai chứng kiến việc mua bán, do đó không đủ cơ sở pháp luật. Ông Nguyễn Tiến Bình, chủ toạ phiên toà, tại bản án số 199/DSPT đã quyết định bác đơn đòi nhà đất của ông Bách, xác định nhà đất ở 230b tổ 23 phường Vĩnh Tuy thuộc quyền sở hữu của ông Chung - bà Đúm. Ngày 21-9-2004, Phó chánh án TAND tối cao Trần Văn Tú kí Kháng nghị số 80/KN-DS, đề nghị Toà dân sự TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm. Theo quyết định giám đốc thẩm 171/GĐT- DS, TAND TP Hà Nội đã xét xử lại, cả hai bản án sơ thẩm 42/2005/DSST (thẩm phán Lê Văn Việt chủ toạ phiên toà), phúc thẩm 11/2006/DSPT (thẩm phán Nguyễn Đức Nhận chủ toạ phiên toà) đều công nhận ông Bách mua chung đất, được sử dụng 120m² đất. Ngày 6-10-2006, Cơ quan thi hành án dân sự TP Hà Nội đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án số 74/QĐ-THA, cưỡng chế giao 120m² đất cho ông Bách.

Sau khi bị cưỡng chế, ông Chung tìm lại được Giấy xác nhận của ông Đoàn Duy Thanh, người bán nhà cho ông năm 1974, xác nhận tài sản chỉ có bên mua là ông Chung - bà Đúm, không có người thứ ba (ông Bách). Ông Thanh ghi: “Khoảng năm 1996-1997 ông Bách đã 3 lần đến nhà tôi nói ủng hộ ông Bách có mua chung mảnh đất trên. Nếu ông Bách thắng tôi sẽ có phần, nhưng tôi đã từ chối vì luật pháp và lương tâm không cho phép”. Giấy xác nhận này ghi ngày 17-6-2003, có ra UBND xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (nơi ông Thanh cư trú) xác nhận chữ kí, đóng dấu. Ông Chung đã gửi đơn (kèm theo bản photocopy giấy xác nhận nói trên) đến Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội khiếu nại bản án 11/2006/DSPT, đề nghị Toà án và VKSND tối cao kháng nghị tái thẩm bản án 11/2006/DSPT vì có tình tiết mới. Ngày 12-5-2009, Uỷ ban Tư pháp chuyển đơn của ông Chung đến ông Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị xem xét, giải quyết (Công văn 2763/UBTP12 do Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Phạm Quý Tỵ kí). Tuy nhiên, đến nay Toà án và VKSND tối cao đều chưa có kết luận trả lời.

Báo CCB Việt Nam thấy giấy xác nhận này là chứng cứ trực tiếp mới, có thể thay đổi toàn bộ kết luận của bản án số 11/2006/DSPT. Vì vậy, đề nghị ông Chánh án TAND tối cao, ông Viện trưởng VKSND tối cao xem xét đơn của ông Phạm Đức Chung, kháng nghị giám đốc thẩm bản án 11/2006/DSPT và thông báo cho Báo CCB Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Đỗ Kim