Bị cấm vận, Triều Tiên vẫn “khỏe”
Reuters dẫn số liệu thống kê của Ngân hàng T.Ư Hàn Quốc (BOK) cho biết: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên trong năm 2016 tăng 3,9% so với năm 2015 và đạt mức 32.000 tỷ won (khoảng 28,5 tỷ USD). Đây là năm kinh tế Triều Tiên tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1999, khi nền kinh tế của nước này tăng 6,1%. Từ năm 2000, kinh tế Triều Tiên bị sụt giảm do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán và giá hàng hóa xuống thấp.
Thống kê của Ngân hàng T.Ư Hàn Quốc cho thấy, xuất khẩu của Triều Tiên năm 2016 đạt mức tăng cao nhất kể từ sau mức tăng 11,8% hồi năm 2013. Tổng sản lượng xuất khẩu của Triều Tiên (không tính trao đổi thương mại với Hàn Quốc) tăng 4,6% trong năm 2016, đạt 2,82 tỷ USD nhờ vào việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản. Sản lượng nhập khẩu tăng 4,8%, đạt 3,73 tỷ USD; trong đó các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất là sản phẩm công nghiệp và hàng dệt may. Khai khoáng và công nghiệp năng lượng vẫn là hai ngành phát triển mạnh nhất trong nền công nghiệp Triều Tiên, chiếm khoảng 33,2% tổng sản lượng công nghiệp trong năm 2016. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, chiếm 92,5% tổng kim ngạch thương mại của Bình Nhưỡng trong năm 2016.
Ông Shin Seung-cheol - quan chức làm việc tại Ngân hàng T.Ư Hàn Quốc cho biết: Một phần nguyên nhân khiến kinh tế Triều Tiên tăng trưởng mạnh là do chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân hoạt động tích cực, việc sản xuất các loại thiết bị phục vụ chương trình này cũng được gộp vào khi tính tăng trưởng GDP.
Triều Tiên đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của LHQ từ năm 2006 đến nay liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi. HĐBA LHQ hiện vẫn tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng sau một loạt vụ thử tên lửa của nước này.
Theo đánh giá, GDP khoảng 28,5 tỷ USD này chỉ đủ trang trải cho bộ máy hành chính và các nhu cầu an sinh xã hội của Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện công việc khó khăn nhất ở Triều Tiên là nạn đói đã được giải quyết cơ bản. Nông dân có thể giữ lại sản phẩm làm ra để lo cho gia đình và bán ra thị trường thay vì nộp toàn bộ cho nhà nước và hưởng theo chế độ phân phối như trước đây. Do vậy, Bình Nhưỡng hoàn toàn rảnh tay tập trung cho các chương trình “gây tranh cãi” bằng các nguồn thu không mấy người biết.
Một số nhà phân tích cho rằng, nếu cứ tiếp tục đà cải cách được vận hành từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền và thiết lập được “một nhà nước hiện đại”, Triều Tiên thậm chí có thể trở thành “con rồng nhỏ” của châu Á chứ không phải là sống “khốn khổ” như báo giới phương Tây thường tuyên truyền. Và khi đó, thế giới có thể liên tục rúng động trước những cơn “địa chấn” mới, còn Mỹ tiếp tục đau đầu trước những chính sách khó lường của Bình Nhưỡng.
Đăng Song