“Bệnh” vô cảm của cán bộ
Hai là, cao tốc Bắc - Nam, đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi, được đầu tư 34.000 tỷ đồng, vừa đưa vào khai thác sử dụng đã bị bong tróc, tạo ra nhiều ổ gà, ổ trâu nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông, buộc Bộ Giao thông - Vận tải phải quyết định dừng thu phí để sửa chữa.
Điều đáng nói là cách lý giải của những người có trách nhiệm với những việc này. UBND huyện Sóc Sơn thì nói: Nguyên nhân “một phần do lịch sử để lại” và trách nhiệm chính do chính quyền xã sở tại, đã phạt các công trình xây dựng không phép cho tồn tại.
Còn ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thì “phỏng đoán” đường hỏng do 3 nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do mưa đọng cục bộ tại các vị trí thấp, trũng (!). Và ông cũng đẩy trách nhiệm cho các nhà thầu, vì công trình đang trong giai đoạn bảo hành 24 tháng.
Nghe cách giải thích hai chuyện trên của hai vị cán bộ mới thấy lối nói chung chung không vào ai, hoặc quy cho mấy anh cấp dưới “thấp cổ bé họng”; hoặc “đá về” nhiệm kỳ trước… để đưa dần sự việc vào quên lãng. Còn những người chịu trách nhiệm chính thì vẫn an tọa, thăng tiến, mặc cho dân khổ, đất nước nghèo đi.
Cũng do cách giải quyết mập mờ, nước đôi này mà các vụ việc cứ dây dưa hết năm này sang năm khác làm rầu lòng dân. Điển hình, như tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội), đối diện với Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Điện Biên, quận Ba Đình. Công trình xây dựng vượt phép chiều cao tới 16m (tương đương 5 tầng) và tăng diện tích khoảng 6.126m2, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những công trình quan trong khác quanh khu vực trung tâm Quảng trường Ba Đình, thế mà không ai phát hiện ra (!). Đến khi, báo chí, dư luận lên tiếng, T.Ư chỉ đạo, T.P Hà Nội mới vào cuộc, nhưng sau hơn 2 năm phá dỡ, đến nay vẫn dang dở - có người cả nghĩ bảo: Hay chờ qua nhiệm kỳ…?
Đó là vụ việc “chướng quá không qua được” chứ còn chuyện quan chức ở những nơi được quản lý “đất vàng” thoải mái phê duyệt cho các doanh nghiệp xây dựng các nhà cao tầng làm phá vỡ quy hoạch, dân số tăng vọt thì vẫn đều đều - dường như không thể “phanh” lại được. Kết quả là doanh nghiệp thu lợi nhuận khổng lồ, Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư xây dựng các công trình giao thông để tránh ùn tắc, còn người dân thì khốn khổ vì nạn tắc đường, thiếu nước sạch, thiếu trường học, phát sinh cháy nổ… Những chuyện hiển nhiên ai cũng biết, các quan chức phê duyệt lại càng biết. Nhưng biết mà vẫn ký... mới không lạ!
Đó còn là các dự án khai thác ti-tan lậu ở tỉnh Bình Thuận, mỗi mỏ hàng nghìn héc-ta gây ô nhiễm môi trường và tiêu tốn rất nhiều nước ngọt, trong khi nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân rất thiếu; đó là các vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn, khai thác gỗ quý hiếm trái phép tại các khu rừng nguyên sinh diễn ra liên tục ở Đắc Lắc, Gia Lai, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình, Nghệ An, Bắc Kạn... nơi có lực lượng kiểm lâm chuyên nghiệp, nơi có chính quyền quản lý, nhưng khi hỏi đến thì đều được giải thích, là không nắm được, là đã giao cho dân, là lực lượng ít mà diện tích rừng được giao quá lớn...
Chung quy lại, không ai chịu trách nhiệm cả.
Khác với lối giải quyết vô cảm trên, gần đây Thành ủy, UBND T.P Hồ Chí Minh đã nhìn thẳng vào sự thật, coi nỗi đau của người dân như chính nỗi đau của mình để giải quyết “Mớ bòng bong Thủ Thiêm”. Cũng cùng một sự việc, nhưng cách giải quyết hậu quả của lãnh đạo T.P Hồ Chí Minh hiện nay khác xa cách giải quyết của những người trước đây, bước đầu được người dân đồng tình ủng hộ.
Đó là, ngày 18-10-2018, tại buổi gặp gỡ người dân Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND thành phố đã nói: “Từ đáy lòng mình, tôi xin lỗi người dân Thủ Thiêm trong quá trình thực hiện dự án, chia sẻ những khốn khó mà người dân phải gánh chịu, cũng như những hy sinh của những hộ gia đình vì sự phát triển của thành phố mà phải rời bỏ nơi ở đã từng gắn bó”.
Và ngày 20-10, trong buổi tiếp xúc với cử tri quận 2, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy T.P Hồ Chí Minh cũng đã nói lên lời ruột gan của mình: “Những nỗi đau không phải là của riêng bà con. Tôi rất buồn, rất đau” và sắp tới thành phố sẽ quy rõ trách nhiệm từng người để xử lý...
Đó là cách giải quyết lắng nghe dân, vì người dân, vì sự phát triển của đất nước, chứ không vô cảm trước nỗi đau của người dân, hiện vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi khác, cần sớm được dẹp bỏ theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XII của Đảng về xây dựng một đội ngũ cán bộ thực sự là “công bộc” của Dân, như lời Bác Hồ dạy.
Đỗ Công Huynh