Bệnh sâu răng- những điều cần biết
Triệu chứng
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai Phương-Bệnh viện Răng hàm mặt TP. Hồ Chí Minh: Triệu chứng ban đầu là răng đổi màu ở một vài vùng trên mặt nhai hoặc kẽ giữa hai răng, lúc này người bệnh chưa cảm thấy đau hay buốt, lỗ sâu răng chưa có và kích thích do thức ăn nóng, lạnh chưa xảy ra. Một thời gian sau, răng biến đổi sắc tối hơn sang màu nâu hoặc màu đen. Lỗ sâu ở răng xuất hiện có thể nhỏ như đầu tăm hoặc to toàn bộ mặt nhai. Người bệnh cảm thấy khó chịu khi thức ăn giắt vào lỗ sâu, cảm thấy buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh. Nếu lỗ sâu tiếp tục bị sâu thì phần đáy lỗ bị bong và mềm hóa, nhiễm vào tầng sâu của răng, làm cho bệnh nặng hơn. Khi răng đau kéo dài, hoặc cường độ đau gia tăng thì rất có thể tủy răng đã bị viêm.
Khi bị viêm tủy thì phải chữa viêm tủy răng rất tốn kém về chi phí và thời gian. Nếu không chữa tủy thì bệnh sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn trở thành bệnh lý viêm chóp chân răng cấp hoặc mạn tính, gây vỡ cụt thân răng, mất chức năng của răng. Bên cạnh đó, khi bị sâu răng, hơi thở của người bệnh còn có mùi hôi miệng.
Nguyên nhân gây sâu răng
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Phương cho biết nguyên nhân chính gây sâu răng là do thói quen vệ sinh răng miệng. Mảng bám trên thức ăn thừa không được vệ sinh sạch sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho các vi khuẩn có sẵn trong khoang miệng sinh sôi nảy nở, tạo ra những chấm đen li ti. Đó chính là những lỗ sâu răng.
Do vi khuẩn: Các nhà khoa học đã chứng minh rằng vi khuẩn trong miệng chính là nguyên nhân gây sâu răng. Vi khuẩn trong miệng tập trung ở các mảng bám răng hay cao răng, các mảng bám răng có tới 70% là vi khuẩn. Các mảng bám răng là các mảnh vụn thức ăn không được vệ sinh sạch sau 24 giờ sẽ liên kết với các vi khuẩn tạo thành, các mảng bám răng không được vệ sinh sau 14 ngày sẽ tạo thành cao răng. Vi khuẩn trong miệng sẽ phân hủy đường thành axit lactic gây tiêu canxi ở men răng, từ đó gây sâu răng.
Do đường: Các chuyên gia y tế đã chứng minh được rằng thức ăn có nhiều đường sẽ ảnh hưởng tới sâu răng, những người ăn chủ yếu là mỡ và thịt ít bị sâu răng hơn.
Do răng: chất lượng men răng và ngà răng phụ thuộc vào hàm lượng các chất vô cơ, hữu cơ, trong đó đặc biệt là canxi, ngoài ra chất fluor có tác dụng bảo vệ men răng rất tốt. Những người có chất lượng men răng và ngà răng tốt sẽ ít có nguy cơ bị sâu răng.
Phòng bệnh sâu răng
Trong một số trường hợp, bệnh sâu răng có thể là do các yếu tố di truyền ảnh hưởng đến khả năng chống sâu của răng. Để đảm bảo sức khỏe răng miệng cho chính mình nên đến khám nha sĩ 6 tháng/lần để sớm phát hiện các bệnh lý liên quan đến răng miệng cũng như được nha sĩ tư vấn các cách chăm sóc và vệ sinh răng. Cách phòng chống bệnh sâu răng mang lại hiệu quả cao nhất vẫn là giữ vệ sinh răng miệng. Nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, sau khi ăn và trước khi đi ngủ, hạn chế ăn đồ ngọt, uống nước có ga vào buổi tối.
Thành An