Bệnh lao -“sát thủ” thầm lặng
Bệnh lao trước đây bị liệt vào hàng "tứ chứng nan y", nhưng ngày nay y học đã có thể chữa khỏi. Thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều bước tiến mới trong công tác chống lao, nhưng vẫn thuộc nhóm nước có gánh nặng bệnh tật do lao cao nhất thế giới.
Bệnh dễ lây
Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi T.Ư cho biết: Lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đứng hàng thứ 12/22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 14/27 quốc gia có gánh nặng lớn về lao đa kháng thuốc. Mỗi năm, nước ta có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao.
Bệnh lao lây lan rất nhanh trong cộng đồng, hơn tất cả các bệnh khác vì đây là bệnh lây qua đường hô hấp. Một người bị lao sẽ lây bệnh cho 10-15 người khác trong một năm. Ngoài ra, ở nước ta tình trạng bệnh lao đa kháng thuốc và bệnh lao ở người nhiễm HIV cũng diễn biến phức tạp, ở mức cao. Số bệnh nhân chưa được phát hiện còn quá lớn, là nguồn lây nhiễm theo cấp số nhân ra cộng đồng. Bên cạnh đó, sự kỳ thị, định kiến vì bệnh lao của người dân còn lớn, khiến cho người mắc lao giấu bệnh, tự chạy chữa khiến bệnh càng nặng và nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao.
Dấu hiệu nhận biết bệnh lao
Theo các bác sĩ Bệnh viện phổi T.Ư, đối tượng bệnh nhân đái tháo đường, viêm loét dạ dày, những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân lao, hệ miễn dịch suy yếu kém ăn mệt mỏi, người trong gia đình có bệnh nhân lao hoặc tiền sử mắc bệnh lao, bệnh nhân HIV/AIDS... là những đối tượng có nguy cơ bị vi khuẩn lao tấn công cao nhất.
Bệnh lao có thể chỉ khu trú ở một bộ phận nào đó của cơ thể, gây ra những thể lao khác nhau và mỗi thể lao đều có những triệu chứng riêng, điển hình. Tuy nhiên, ngoài những biểu hiện riêng của từng thể lao, độc tố của vi trùng lao có thể gây nên các triệu chứng toàn thân như: Sốt (thường là sốt nhẹ về chiều hoặc đêm), kèm theo là mệt mỏi, kém ăn, gầy sút cân, da xanh, thiếu máu…
Đối với triệu chứng tại chỗ thì tùy theo vị trí hay cơ quan bị bệnh lao mà biểu hiện các triệu chứng tại chỗ khác nhau, ví dụ: Bệnh lao phổi thường có các biểu hiện ho khạc kéo dài trên 2 tuần, tức ngực, khó thở, ho ra máu, có đờm… Còn bệnh lao hạch thì người bệnh thường xuất hiện hạch to dính với nhau thành từng khối chắc nổi rõ trên da, trong đó, có tới 95% bị hạch là lao hạch cổ. Khi ấn vào những khối hạch này, bệnh nhân không thấy bị đau. Đây là lý do khiến người bệnh chủ quan, không nghĩ đến nguy cơ bị mắc bệnh lao hạch.
Đối với những bệnh nhân lao xương khớp thì triệu chứng điển hình là đau tại chỗ bị bệnh, hạn chế vận động, nếu bệnh diễn biến lâu ngày không điều trị có thể gây rò mủ tại chỗ, nếu bị lao cột sống có thể gây gù, vẹo cột sống, liệt vận động… Còn với bệnh lao màng não thường có các biểu hiện dấu hiệu thần kinh như: Đau đầu, nôn, táo bón, nặng có thể hôn mê, co giật…
Hiện nay, tất cả các thể lao được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi gần như hoàn toàn bằng các thuốc chống lao đặc hiệu tại các cơ sở y tế có uy tín trong cả nước. Với điều kiện phải điều trị bệnh lao một cách đầy đủ, nghiêm túc: đúng thuốc, đúng liều, phối hợp đủ thuốc, đủ thời gian.
Vũ Thị Minh