(Báo tháng 6) - Quyết định từ chức của bà Theresa May không đơn giản chỉ là sự từ chức của một cá nhân lãnh đạo quốc gia, mà hơn thế nó thể hiện sự mệt mỏi, bất lực tới tận cùng sau một thời gian dài đằng đẵng cố gắng thực hiện “ý nguyện” của cử tri Anh quốc trong cơn phẫn nộ vì những bất ổn kinh tế xã hội phát sinh kể từ khi nước Anh gia nhập Liên minh Châu Âu (EU).

Có thể nói sai lầm lớn nhất của Chính phủ Anh nói chung và bà Theresa May nói riêng đó là khi trao quyết định trưng cầu dân ý cho cử tri Anh về vấn đề Brexit, mà hoàn toàn không nắm rõ về sự gai góc và khó lường của nó. Cái gốc của vấn đề Brexit đã nhen nhóm trong xã hội Anh từ cách đây khoảng hơn 10 năm khi nền kinh tế EU theo chu kì đi vào thoái trào. Lúc này nền kinh tế Anh theo đà cũng phát triển chậm lại kéo theo đó là những bất ổn xã hội phát sinh.

Người dân Anh vốn có tinh thần bảo thủ rất cao, họ luôn coi mình là số một thế giới và thuộc đẳng cấp cao hơn hẳn so với các quốc gia cùng khối (như Pháp với Ý); vậy tại sao họ lại phải hy sinh sự thịnh vượng kinh tế của quốc gia mình, để rồi phải chấp nhận cảnh “chung thuyền”, cùng gánh nợ với những quốc gia “hạng 2” như vậy.

Chính từ thời điểm đó, tư tưởng Brexit bắt đầu được nhen nhóm và bùng cháy dần ngay trong lòng nước Anh. Đứng trước tình cảnh đó, thay vì chủ động nhận ra những sai lầm và khuyết điểm, từ đó tìm ra phương hướng để xoa dịu mâu thuẫn xã hội bằng những chính sách kinh tế hợp lý giúp vực dậy nền kinh tế của quốc gia mình; thì Chính phủ Anh do quá tự tin vào vị thế của EU trong lòng người dân Anh, nên đã chơi một “ván bài tháu cáy” thông qua một trưng cầu dân ý nhằm lấy ý nguyện của người dân Anh như một biến pháp hữu hiệu nhất để dập chết phong trào Brexit đang âm ỉ bùng cháy. Họ thậm chí còn tự tin tới mức hoàn toàn không có bất kì phương án nào để chuẩn bị trong trường hợp mình bị “thua cuộc” cả; đối với họ viễn cảnh Brexit khi ấy hoàn toàn không có thực và không thể xảy ra.

Thế nhưng, cuộc đời quả là khó lường và có những ngã rẽ định mệnh khi tháng 6 năm 2016 cuộc trưng cầu dân ý Brexit lịch sử đã diễn ra. Chính phủ Anh hoàn toàn bất ngờ và choáng váng trước kết quả bỏ phiếu của người dân. Tới lúc này khi mọi sự đã rồi, nhìn thấy con thuyền sắp đắm, Thủ tướng David Cameron (người tiền nhiệm của bà May) đã nhanh chóng từ chức để khỏi “đeo cục nợ” vào mình.

Bà May được bầu lên, do còn non kinh nghiệm và không trải qua những khó khăn gian khổ như ông Cameron, nên lúc nhậm chức bà May đã rất hùng hồn tuyên bố sẽ đưa con tàu Brexit tới bến bờ một cách bình yên và thành công. Thế nhưng, dần dà sự nghiệt ngã của thực tại đã cho bà May những gáo nước lạnh buốt như mùa đông Bắc Cực để rồi từ lúc nhậm chức được truyền thông Anh ca ngợi là người đàn bà thép như Thủ tướng Anh huyền thoại Thatcher; cho tới trước lúc từ chức, bà May đã trở thành “trung tâm” cho báo giới cười nhạo vì sự bất lực của mình.

Sự khó khăn của tiến trình Brexit không chỉ từ bên trong nước Anh, mà nó còn đến trực tiếp từ bên ngoài. Bởi trước đây khi liên minh EU và chủ nghĩa toàn cầu hóa chưa ra đời; thì các nước giao thương với nhau chủ yếu qua những hiệp định thương mại song phương. Khi đó các nước thỏa thuận chính sách thuế của mình áp lên những quốc gia khác chỉ dựa theo những nguyên tắc do cá nhân mỗi chính phủ đề ra tùy theo tình hình và khả năng của quốc gia mình. Khi ấy nước Anh có thể đàm phán trực tiếp với Chính phủ Ý về thuế nhập khẩu và cơ chế miễn thuế với hàng nhập khẩu của hai nước mà không phải chịu bất kì một sức ép hay sự ảnh hưởng nào từ một quốc gia thứ ba hay một tập thể các quốc gia khác.

Thế nhưng, kể từ khi EU đã chính thức trở thành một nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 1993 thì các quốc gia trong EU không còn khả năng để đàm phán một cách tự do, độc lập những hiệp định thương mại song phương với các quốc gia bên ngoài nữa; mà khi đó họ phải chịu sức ép, sự ảnh hưởng từ Hội đồng Châu Âu nói chung và quốc gia chủ chốt của Châu Âu như Đức nói riêng. Nước Anh giờ đây muốn đàm phán hiệp định thương mại song phương với nước Ý thì họ không thể đàm phán trực tiếp với Chính phủ Ý mà phải qua Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Thủ tướng Đức nữa. Quan trọng nhất khi đàm phán với các quốc gia trong EU thì nước Anh không còn ưu thế là một nước lớn đàm phán với các quốc gia nhỏ hơn mình (kinh tế Anh lớn thứ nhì Châu Âu sau Đức) mà là nước Anh đối đầu với cả một liên minh Châu Âu có quy mô nền kinh tế gấp nhiều lần mình.

Trong hoàn cảnh này nước Anh với sự kiêu hãnh vốn có của mình, đã đặt ra hàng loạt những yêu sách về tự do trao đổi mậu dịch thương mại và đặc quyền miễn giảm thuế gần như khi nước Anh còn ở trong khối EU. Chính những yêu sách này đã làm khối EU nóng mặt vì họ không thể chấp nhận cái giá quá đắt cho một cuộc “ly hôn”, mà bản thân khối EU không muốn chút nào khi họ đã mất đi một thành viên chủ chốt và quan trọng của mình. Nắm được điểm yếu của Anh, EU ra sức kéo dài đàm phán làm khó cho Chính phủ Anh vừa với mục đích “không ăn được thì phải đạp đổ” mà bên cạnh đó họ còn dự tính gây sức ép lên Chính phủ Anh để từ bỏ kế hoạch Brexit bằng một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai nhằm kéo nước Anh trở lại EU.

Như vậy, nếu nhìn rộng ra toàn cảnh kế hoạch Brexit của nước Anh, chúng ta có thể thấy sự bế tắc toàn diện không lối thoát. Bởi kế hoạch này vừa gây chia rẽ ngay trong lòng nội bộ nước Anh (bên phản đối và ủng hộ xấp xỉ nhau), không những thế nó lại còn không được sự ủng hộ của quốc tế và sự “chống phá” ngay từ phía EU.

Nước Anh giờ đây có thể nói đã bước chân sa vào một vùng lẫy thảm họa chính trị lớn nhất từ trước tới nay, bởi đối với họ không có bất cứ phương án nào là khả thi để thoát khỏi tình trạng bế tắc này. Nếu dẹp bỏ kế hoạch Brexit thì Chính phủ Anh sẽ tự dùng súng bắn vào chân khi coi kết quả trưng cầu dân ý thể hiện nguyện vọng của nhân dân là màn kịch trình diễn cho vui và sẽ hoàn toàn mất đi tính chính danh của mình. Nếu tiếp tục cố gắng Brexit thì sẽ đem lại những thiệt hại về kinh tế vô cùng to lớn cho chính quốc gia của mình đẩy tương lai của nước Anh vào giai đoạn tăm tối không lối thoát.

Sự từ chức của bà May không đơn giản chỉ là một cuộc từ nhiệm thường thấy trên chính trường thế giới; mà hơn thế nó là biểu trưng cho sự bất lực đến tột cùng của hệ thống chính trị Anh bởi chính những sai lầm của mình.

Hoàng Nguyễn