Phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan cần sớm hoàn chỉnh, tiếp thu, chỉnh lý các Dự án luật đã được cơ bản nhất trí để có thể đưa ra trình tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (khóa XII).

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các Phó Chủ tịch Quốc hội khẩn trương chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan sớm hoàn chỉnh các phần việc được giao, tích cực chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII dự kiến khai mạc vào ngày 21/3/2011.

Tại phiên họp thứ 38, trong 6 ngày qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011; báo cáo của Chính phủ về việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sử dụng 3.500 tỷ đồng ngân sách nhà nước năm 2011; cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự, dự án Luật Thủ đô, Luật phòng, chống mua bán người, Luật kiểm toán độc lập.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XII của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc chuẩn bị báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án Nhân dân.

Sáng cùng ngày, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án Nhân dân.

Đối với Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân, về việc phân loại ngạch kiểm sát viên (Điều 3), đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết sửa đổi quy định hiện hành về việc phân loại ngạch Kiểm sát viên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc quản ý, sử dụng đội ngũ Kiểm sát viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp.

Về việc điều động, biệt phái Kiểm sát viên (Điều 30), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên giữ quy định hiện hành về việc điều động, biệt phái Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự.

Đối với Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án Nhân dân, về quy định ngạch thẩm phán (khoản 1 Điều 1 Dự thảo Pháp lệnh; sửa đổi bổ sung Điều 2 Pháp lệnh hiện hành), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trước mắt Tòa án Nhân dân tối cao nên giữ nguyên chức danh Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao cũng như các chức danh khác như hiện hành, không bố trí Thẩm phán sơ cấp và Thẩm phán trung cấp tại Tòa án Nhân dân tối cao.

Đối với các Tòa án Nhân dân địa phương thì có thể có cả ngạch Thẩm phán sơ cấp và ngạch Thẩm phán trung cấp trên cơ sở chuyển đổi chức danh từ chức danh Thẩm phán Tòa án Nhân dân cấp tỉnh thành ngạch Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán Tòa án Nhân dân cấp huyện thành ngạch Thẩm phán sơ cấp, đồng thời bổ sung quy định số lượng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

Về việc điều động, biệt phái Thẩm phán (khoản 2 Điều 1 Dự thảo Pháp lệnh; sửa đổi, bổ sung Điều 19 Pháp lệnh hiện hành), đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Dự thảo Pháp lệnh cần quy định về điều động, biệt phái Thẩm phán Tòa án Nhân dân theo hướng giao cho Chánh án Tòa án Nhân dân cấp tỉnh có quyền điều động, biệt phái Thẩm phán trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao chỉ điều động, biệt phái Thẩm phán ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về việc điều động, biệt phái Thẩm phán Tòa án quân sự giữ như quy định hiện hành.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí về thời điểm Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án Nhân dân có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2011. Theo TTXVN A Hoàng