“Bẫy sinh viên”
Có một nền giáo dục và môi trường tốt để thu hút sinh viên quốc tế là ước mơ của nhiều quốc gia trên thế giới. Australia luôn tự hào là điểm đến của sinh viên quốc tế, mang lại một nguồn thu rất lớn và ổn định. Nhiều sinh viên theo học là thông tin tốt; vậy nhưng có quá nhiều sinh viên đến từ chỉ một quốc gia thì chưa chắc đã tốt mà nó có thể trở thành cái bẫy với quốc gia đó.
Trong tuyên bố về chiến lược giáo dục mới được đưa ra ngày 26-11-2021, Bộ trưởng Giáo dục Australia - Alan Tudge cho biết: Một số trường đại học Australia có tới 80% sinh viên quốc tế đến từ một quốc gia, gây rủi ro tài chính cho các cơ sở giáo dục đó, đồng thời làm giảm trải nghiệm của cả sinh viên Australia và quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh rằng: Chính phủ Australia mong muốn thị trường sinh viên quốc tế khởi sắc trở lại và các trường đại học công lập dành ưu tiên cao hơn cho việc đa dạng hóa sinh viên quốc tế trong các lớp học. Để đạt được mục tiêu trên, chiến lược giáo dục mới của Canberra, trong đó có xây dựng và ban hành “chỉ số đa dạng hóa”, sẽ hướng đến việc nâng cao sự đa dạng của sinh viên quốc tế tại các trường đại học công lập.
Tuy không nói thẳng, nhưng con số 80% mà ông Tudge nhắc tới là số sinh viên Trung Quốc. Rõ ràng, lập luận của ông Tudge là có cơ sở, nhưng để thay đổi chiến lược giáo dục quốc tế thật không dễ khi tìm đâu ra sinh viên từ các nước khác để trung hoà với số lượng sinh viên Trung Quốc ở Australia chỉ trong 10 năm? Thực tế, Australia đã bị rơi vào “bẫy sinh viên” của Trung Quốc khi các trường đại học của nước này phụ thuộc vào nguồn thu của sinh viên quốc tế quá nhiều. Do Covid-19, Ngành Giáo dục quốc tế của Australia chỉ tạo ra khoản doanh thu gần 7 tỷ USD năm 2021, thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 28 tỷ USD năm 2019. Trong khi Australia và Trung Quốc đang có nhiều mâu thuẫn chính trị và kinh tế, việc Australia phụ thuộc vào sinh viên Trung Quốc sẽ không phải là lợi thế của quốc gia này.
Nam Long