Bảy năm đưa bạn đến trường
Vi Tuấn Khanh (bên trái) và Vi Nhật Cảnh (bên phải).
(Báo tháng 6) - Đã 7 năm cậu học trò Vi Tuấn Khanh ( SN 2005, trú tại bản Tà Cồ, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) vì thương người bạn cùng tuổi cạnh nhà tàn tật, đã làm "đôi chân" đưa bạn đến trường theo đuổi giấc mơ con chữ. Giờ đây, không còn phải cõng bạn nữa mà đã có hỗ trợ của chiếc xe đạp điện nhưng Khanh vẫn là "đôi chân" không thể thiếu của người bạn đồng niên tàn tật Vi Nhật Cảnh.
Hoàn cảnh đáng thương của người bạn tàn tật
Trong những ngày hè oi ả của vùng quê xứ Nghệ, chúng tôi tìm đường về bản Tà Cồ để gặp đôi bạn đã giúp nhau đến trường 7 năm qua. Con đường vào bản đi qua con suối Đá Đòng dòng nước cạn mùa hạn nên trơ đá. Tại đây, chúng tôi trong lúc hỏi đường đã may mắn gặp Vi Tuấn Khanh đang cõng người bạn tàn tật Vi Nhật Cảnh ra suối chơi. Nhật Cảnh đang ngồi trên bờ đọc truyện còn Khanh thì đang còng lưng cặm cụi dùng chiếc nhúi để cố bắt ít cá, cua về cải thiện bữa ăn. Biết có người đang tìm nên Khanh dìu Nhật đưa chúng tôi về ngôi nhà của Cảnh cách con suối không xa.
Thấy người lạ đến nên nhiều bà con chòm xóm cũng đã kéo đến nhà rất đông. Từ câu chuyện của những người hàng xóm, chúng tôi mới biết được hoàn cảnh đầy éo le của Cảnh.
Cảnh sinh ra trong hoàn cảnh người cha của em bỏ rơi mẹ con em từ khi em chưa chào đời, bỏ đi biệt xứ. Một mình mẹ Cảnh phải sinh con, chăm con nhưng càng lớn em càng có nhiều biểu hiện bất thường khi thường xuyên ốm đau, chậm nói và không đi lại được.
Mãi sau khi được mỗi người ủng hộ một ít tiền mới đưa được Cảnh đi khám thì biết được em mắc căn bệnh bại não, khiến chân tay co quắp, không đi lại được. Hoàn cảnh éo le mẹ của Cảnh cũng chẳng có tiền thuốc thang thường xuyên cho em mà chỉ lấy thuốc theo diện bảo hiểm và nơi đâu nghe có thuốc lá rừng là chị lại đi lấy về cho con uống.
“Hoàn cảnh của cháu Cảnh cũng đáng thương lắm các chú ạ. Chưa ra đời thì cha bỏ đi biệt xứ, giờ cũng chẳng biết nơi đâu, sinh ra lại mang dị tật do bệnh tật mang lại. May mẹ cháu tuy nghèo đói nhưng thương con nên cũng đi tìm đủ loại thuốc cho cháu uống bệnh tình mới đỡ hơn như giờ đó” - chị Hồng, hàng xóm em Cảnh chia sẻ.
May mắn cho Cảnh khi người cha đẻ bỏ rơi, em lại có người bố dượng hết đỗi thương yêu em. Năm em lên 3 tuổi, một người đàn ông từ thị trấn Lạc (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) vào làm thợ xây nhà trong bản rồi đem lòng yêu thương mẹ em. Mỗi lúc rảnh rỗi công việc, người đàn ông này đều đến chơi với mẹ con Cảnh và dành dùm tiền công cùng mẹ em đưa em đi khám khắp các bệnh viện để chữa trị cho em. Chính những hành động đó mà người đàn ông đã lấy được thiện cảm của hai mẹ con em Cảnh.
Cảnh tàn tật không theo chúng bạn đến trường mầm non, được người bố dượng mua đồ chơi, mua thêm sách về cho em chơi và học. Cũng chính từ đây Khanh thường xuyên sang chơi với Cảnh, bày em cách học và trở thành đôi bạn thân lúc nào không hay.
Đôi chân giúp bạn đến trường
Thời gian thấm thoát cũng trôi qua nhanh. Thấy chúng bạn đến trường học chữ khiến lòng Cảnh chộn rộn cũng muốn đến trường. Nhưng ngặt nỗi đôi chân không đi lại được nên em nước mắt lưng tròng ngậm ngùi trong tiếc nuối. May mắn cho Cảnh, thấy người bạn tàn tật cùng trang lứa muốn đến trường nên sau mỗi buổi học Khanh lại mang sách vở dạy lại cho em. Nhưng thấy thế không ổn, cuối cùng Khanh đem mong ước của Cảnh trao đổi lại với bố mẹ của bạn.
“Hồi đầu, khi cháu nói cho bạn Cảnh đi học, bố mẹ bạn ấy cũng lo ngại lắm. Bởi lúc đó, bố Cảnh hay đi xây xa nhà, mẹ bạn lại lên rẫy suốt nên không ai đưa bạn ấy đi học. Cháu nói cháu sẽ cõng bạn ấy đến trường bố mẹ bạn ấy cũng không yên tâm. Mãi với mong muốn đến trường của Cảnh và cháu nói kiên quyết cõng được bạn Cảnh, bố bạn ấy đã thử cho em cõng bạn đến trường mới đồng ý”,
Khanh nhớ lại.
Những ngày đầu cậu bé lớp 1, cậu bé Khanh nhỏ con hàng ngày qua nhà cõng người bạn tàn tật tới trường. Nhưng với thân người nhỏ bé nên cứ mỗi ngày đưa bạn đến trường là một thử thách, cứ cõng được một đoạn Khanh lại phải đỡ bạn ngồi xuống nghỉ một lúc rồi mới đi tiếp được. Đoạn đường đến trường tuy không xa nhưng những ngày đầu Khanh và Cảnh thường xuyên đến lớp muộn vì phải nghỉ vì mệt. Với quyết tâm không để bạn phải nghỉ học giữa chừng nên Khanh lên lịch đi học sớm hơn các bạn cùng bản nửa tiếng, để bù thời gian vừa đi vừa cũng bạn vừa nghỉ.
May mắn trời cho Khanh sức khỏe, nên chỉ thời gian ngắn em cõng Cảnh tới trường không còn phải nghỉ dọc đường như trước. Nhưng con đường từ bản đến trường phải qua con suối mùa khô còn đỡ, mùa mưa lũ có những lần Khanh phải đánh trần chống chọi với dòng nước dữ, cõng bạn qua suối rồi mới quay trở lại lấy cặp sách. Khâm phục trước tinh thần giúp bạn tàn tật của Khanh nên vào mùa lũ, nhiều người lớn trong bản mỗi sáng cũng thay nhau ra đây cõng Cảnh qua suối giúp em. Trên đường đến trường nhiều bạn học thấy vậy cũng đồng cảm nên cũng giúp Khanh cõng Cảnh tới trường đôi đoạn.
Đằng đẵng 7 năm học liền, Khanh trở thành "đôi chân" cho Cảnh tới trường nên em chẳng vắng học buổi nào. Giờ đây, đôi chân của Cảnh cũng đã đi lại được, tuy còn khó khăn và phải có người dìu nhưng quãng đường đi học lại phải ra tận thị trấn xa hơn. Thấy vậy, bố mẹ của Khanh cũng đã đầu tư cho em một chiếc xe đạp điện để hằng ngày em đến chở Cảnh đi học cho đỡ vất vả hơn.
Nói đến người bạn cõng mình đi học, em Vi Nhật Cảnh bùi ngùi nói: “Nếu không có bạn Khanh thì giờ đây em cũng chẳng biết con chữ là gì. Em cũng chẳng biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn bạn Khanh và gia đình bạn ấy”.
Trước tinh thần, nghĩa cử cao đẹp đó, Phòng GD&ĐT và Huyện ủy Quỳ Châu đã trao giấy khen cho em Vi Tuấn Khanh trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ngày 25-3, vừa qua Khanh cũng là một trong hai gương mặt học sinh, sinh viên được Tỉnh đoàn Nghệ An vinh danh là gương mặt “Thanh thiếu nhi Nghệ An tiêu biểu năm 2019”. Hiện tại, Sở GD&ĐT Nghệ An đang đề xuất Bộ GD&ĐT tặng bằng khen cho em Vi Tuấn Khanh.
Nói đến người học trò với hình ảnh cao thượng, thầy Đặng Xuân Phúc - Phó hiệu trưởng Trường THCS Hạnh Thiết (thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) cho biết: “Hiện cả hai em đang theo học tại lớp 7A4 của trường. Mặc dù, hoàn cảnh cả hai em đều khó khăn nhưng hai em vẫn luôn tích cực trong học tập. Riêng em Khanh 7 năm liền đều là học sinh tiên tiến của trường. Không những vậy hành động cao thượng, nghĩa cử đẹp của em đã khiến người dân, thầy cô, bạn bè đều rất khâm phục. Hai em cũng là tấm gương để nhà trường giáo dục các học sinh luôn có tinh thần tương thân, tương ái đối với các hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật. Trường luôn quan tâm và dành những điều kiện tốt nhất để hai em chăm lo học tập”.
Xuân Hòa