Bây giờ tôi vẫn bồi hồi (28/04/2011)
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn bồi hồi về một người con gái đã dũng cảm phá bỏ tập tục ngàn đời, hy sinh danh phận của mình để cứu tôi thoát khỏi tay giặc.
Hồi đó, ta giành thắng lợi lớn ở chiến dịch Biên Giới, phá vỡ sự bao vây cô lập của địch, khơi thông được với nước CHND Trung Hoa mới thành lập, nối liền cách mạng Việt Nam với hệ thống XHCN. Sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947, nay thêm chiến thắng Biên Giới Thu Đông năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam đã hoàn toàn ở thế chủ động phản công. Trong lúc đó ở mặt trận Lào, địch tăng cường đàn áp lực lượng tiến bộ của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và quân Pa-thét Lào Ít-xa-la. Đặc biệt, chúng truy lùng tìm diệt gắt gao quân tình nguyện Việt Nam sang giúp cách mạng Lào.
Cuối năm 1950, tôi được điều động về đội công tác 101, phối hợp với bạn làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền tại huyện Ma-ha-xay, Tà Khẹt. Trong một chuyến đi công tác cùng hai chiến sĩ Lào là Xiêng-phôn và Ca-xí về Tà-xéng và Phôn-lết, thì bất ngờ bị một đại đội địch bao vây, lùng bắt. Hồi đó, chính quyền các địa phương ở Lào đều do địch dựng nên, phía cách mạng Lào đang từng bước tuyên truyền, giác ngộ, lôi kéo. Có nơi trưởng xã, trưởng bản vừa làm cho ta, vừa làm cho địch, có nơi đã ngả về ta, chúng tôi rất khó phân biệt trưởng xã, trưởng bản nào làm cho ta hay địch. Do vậy mà lúc ấy, tôi nghi ngờ Chăn-pha trưởng xã Phôn-lết, đã báo cho địch và cầm chắc việc mình sẽ bị bắt. Hai chiến sĩ người Lào cùng đi đã nhanh chóng thoát thân khi có động, còn một mình tôi đứng sững giữa sàn nhà, chờ phút cuối cùng chia đôi với địch bằng một quả lựu đạn đã mở chốt an toàn nóng bỏng trong tay... Bọn lính Pháp đã tới gần. Tiếng giày đinh của chúng nện lộp cộp trên chiếc cầu thang gỗ, chỉ tích tắc nữa thôi là tôi sẽ chạm trán với địch. Đúng khoảnh khắc đó thì một cô gái Lào ở đâu xuất hiện như thần thoại, kéo tôi vào một căn buồng ở góc nhà, ấn tôi cùng nằm xuống giường, rồi tung chiếc chăn sui đắp lên cả hai người và dặn:
- Mày nhận là chồng của tao đang bị ốm nhé!
Tình huống bất ngờ trong phút hiểm nguy khiến tôi không kịp phản ứng gì, chỉ ngoan ngoãn làm theo. Sau này, tôi mới biết cô gái ấy là em ruột trưởng xã, đã vì tôi mà phá bỏ tập tục bất khả xâm phạm đến buồng riêng con gái của dân tộc Lào, hy sinh danh phận của mình để cứu tôi. Ngoài nhà, lính Pháp xì xồ lùng sục, chỉ trừ chiếc buồng tôi đang ẩn náu là chúng chưa vào. Tôi nghe tiếng viên quan hai Pháp hỏi trưởng xã:
- Bọn Ít-xa-la và Việt Minh đâu rồi?
Trưởng xã thản nhiên đáp:
-
Ồ, không có ở đây.
-
Ta thấy rõ chúng vào nhà ông. Thế ai ở trong buồng? Viên chỉ huy hỏi.
Cô gái ngồi dậy, kéo quần áo cho xộc xệch, rồi hé cửa nói vọng ra:
- Chỉ mình ta và chồng ta đang ốm.
Trưởng xã tiếp lời:
- Em gái ta và chồng nó đấy!...
Tên quan hai ngoái đầu nhìn vào, nó chỉ nhìn thấy một người đang trùm kín chăn và cô gái chứ không có thêm ai, nên không xông vào nữa. Đêm ấy, tôi ở chung buồng với cô gái Lào với vai chồng cô trong sự căng thẳng tột độ mà không dám dậy, vì bên ngoài bọn lính Pháp vẫn ở lại. Viên chỉ huy Pháp đi đi lại lại trên nhà sàn và gặng hỏi Chăn-pha cho mãi đến khuya. Cô gái cứ vỗ về lên người tôi, i ơ dỗ dành như đang chăm sóc chồng, còn tôi thỉnh thoảng vờ trở mình và cất tiếng rên theo kiểu của người "chồng" đang ốm. Cả hai trong vai của mình diễn cứ như thật, khiến bọn Pháp càng tin. Sáng hôm sau, chờ cho giặc rút đi an toàn, trước khi trưởng xã Chăn-pha đưa tôi vào rừng, tôi ngượng ngùng nhìn cô mà chẳng biết nói gì. Còn cô đôi mắt sáng mở to, ánh lên niềm vui trong chốc lát, rồi nhanh chóng cụp xuống trên khuôn mặt u buồn. Tôi chợt nhận ra cô gái rất đẹp, lòng trào lên một tình cảm mới lạ, xao xuyên, thầm nhủ nhất định sẽ trở lại thăm người con gái này...
Những năm tháng tiếp theo, tiếng gọi của chiến trường đã đưa tôi vào Nam ra Bắc và hai lần nữa trở lại chiến trường Lào đầy ác liệt, nhưng cả hai lần đó tôi không hoạt động ở Tà Khẹt, hơn nữa, kỷ luật dân vận của quân tình nguyện rất nghiêm, nên tôi không về được Phôn-lết để tìm gặp lại cô. Không biết sau sự hy sinh danh phận của mình để cứu tôi, cô gái ấy sống ra sao? Cô sẽ chịu đựng thế nào về những dị nghị xung quanh chuyện chưa chồng mà ở chung với một người con trai suốt đêm trong căn buồng - một sự kiêng kị lớn của tập tục phương Đông, nhất là ở các bộ tộc Lào. Hơn 50 năm qua, tôi cứ dằn vặt không nguôi một điều: Cô gái ấy đã vì tôi mà đau khổ, nay còn hay mất, xin hãy nhận một lạy tạ ơn cưu mang của người đã được cô cứu thoát, và cũng xin thú thật rằng, ngay từ ngày ấy, trong trái tim của chàng trai trẻ lần đầu biết rung động về tình yêu nam nữ của tôi, đã in đậm hình ảnh rực rỡ của người con gái đó.
NGUYỄN VÕ HIẾN