Chữ đầu tiên tôi thành thạo là chữ A in, ấy là cái hầm tránh máy bay giặc Mỹ. Hầm chữ A.
Hồi ấy, năm 1972, mỗi khi có tiếng còi báo động, máy bay gầm rú, tên lửa pháo réo rít… rồi cả mặt đất rung chuyển, mẹ ôm anh em chúng tôi trong hầm, nhớn nhác như gà mẹ gặp diều hâu. Rồi cả bố và mẹ đều đi tham gia trực chiến hoặc ứng cứu, để anh em chúng tôi tự trông nhau.
Dễ đến có tuần anh em chúng tôi ở hầm nhiều hơn ở trên nhà. Ngủ, chơi, ăn uống… tất tần tật trong cái giường đất, vách đất, bầu trời “ chữ A” . Chúng tôi chơi “đồ hàng” với đất cát, cân đong đo đếm bằng cái thìa. Chơi “pháo bù” bằng nạy đất dưới chân, rưới nước từ cái chai để dành. Tôi là con trai nhanh chán. Thỉnh thoảng tôi lại ra cửa hầm, ngó lên. Trên đó có cây ổi, cây mít, cái giếng, bầu trời cao. “Anh Dũng xuống ngay, em mách mẹ!”. Đứa em vừa quát vừa khóc khiến tôi thụt như con chuột vào hang. Một lúc thì mặt đất lại gọi tôi lên.
Tôi lên mặt đất. Làm sao vắng vẻ quá. Một lúc thì có tiếng gọi: “Dũng ôi… Dũng ôi, trên này cơ mà”. Nhìn lên, thấy anh Hà, anh Khánh đang chót vót ngọn xoan. Tôi cuống quít lại gốc, thoăn thoắt trèo lên. Ba anh em như ba con chim líu lo trên cành. Anh Hà, anh Khánh tranh nhau nói: “Máy bay rén rèn rèn, tên lửa mình phóng đỏ lừ, thằng phi công Mỹ nhảy dù, máy bay thành cục lửa lao xuống sông”… Tôi khoái, lúc ấy chả nghĩ các anh nói thật hay tưởng tượng.
Chờ mãi chả thấy máy bay. Nhìn xuống thấy bung biêng trên dây phơi bờ rào sợi gì óng ánh. Anh Hà hỏi, mày biết cái gì đấy không? Dây bạc đấy, bọn Mỹ thả xuống để làm nhiễu ra-đa, bộ đội mình không dò nổi, nhưng quân mình cao tay, máy bay nó vẫn bị hạ.
Thời ấy, tụi trẻ chúng tôi ở hầm mãi thành thích. Nhưng có một hôm thì vừa dứt tiếng bom, mẹ đã gọi tất cả lên. Tôi hỏi: “Hết chiến tranh rồi hả mẹ?”… Mẹ tôi lấy vạt áo lau nước mắt, nói các con lên lễ truy điệu cậu Tiến.
Đó là một đêm rật rờ những ánh đèn dầu. Người lớn nén tiếng khóc. Ngôi nhà năm gian của ông ngoại rất đông người. Tôi nghe ngắt quãng từng lời chú Thanh xã đội trưởng: “Đồng chí Nguyễn Kim Tiến đã hy sinh anh dũng tại Quảng Trị. Gia đình mất đi một người con hiếu thảo, Tổ quốc mất đi một người con kiên trung. Chúng ta hãy biến đau thương thành hành động, thi đua sản xuất, sẵn sàng chiến đấu… một phút mặc niệm bắt đầu…”. Tôi cố len vào, thấy có trẻ con nhưng không đứa nào đùa nghịch, tất cả ngơ ngác nem nép bên bố mẹ, ông bà. Tôi nhìn di ảnh cậu Tiến lúc mờ lúc tỏ. Thường ngày, mẹ hay kể về cậu, hồi bé đẽo con quay đẹp nhất xóm; cậu có người yêu là cô Hòa, lúc nhận quyết định nhập ngũ hai bên gia đình bảo cưới nhưng cậu nhất quyết không, cậu bảo vào chiến trường sống chết chẳng biết, khi nào chiến thắng trở về cũng chưa muộn. Cô Hòa đang ngất trên tay mẹ, tôi nhìn tự nhiên òa lên: “Cậu Tiến ơi! Cậu Tiến ơi!...”.
Hơn 40 năm đã qua. Giờ đây nhớ lại thì chiến tranh đang ác liệt lắm nhưng hồi ấy trí óc non nớt của tôi chỉ biết khóc cùng người lớn, căm thù giặc Mỹ.
Năm tháng dần trôi, làng tôi bây giờ đổi mới. Tôi đã được đi máy bay, biết bầu trời cao xanh bình yên. Trẻ con như tôi ngày xưa bây giờ được ở nhà tầng. Hầm chữ A, bầu trời chữ A, hố tăng-xê, mũ rơm đi học… giờ chỉ còn trong những câu chuyện kể lại.
Du An