Bất cập trong phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số
Ông Điểu Hoàng - cán bộ dân tộc, tôn giáo xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng cho biết: “Là cán bộ dân tộc - tôn giáo, thường xuyên tiếp xúc với người dân, tôi luôn tranh thủ vận động những người biết làm kinh tế, nhiệt tình với công tác xã hội đi học lớp nhận thức về Đảng. Tuy nhiên, mọi người đều hỏi: “Vào Đảng để làm gì?”. Tôi giải thích đúng theo Điều lệ Đảng thì người ta nói: “Vào Đảng vừa phải gương mẫu vừa gò bó, tôi không vào đâu”. Ở những thôn tập trung đồng bào DTTS, tìm được người trình độ văn hóa giới thiệu học lớp nhận thức về Đảng đã khó, vận động họ đi học còn khó hơn. Nhiều người chỉ lo làm kinh tế, luôn thoái thác việc đi học. Việc viết lý lịch đảng viên phải qua nhiều lần chỉnh sửa, viết lại cho đúng cũng khiến họ nản lòng mà bỏ ngang...”.
Lớp trẻ là nguồn quan trọng, hùng hậu nhất của Đảng, nhưng do vấn đề cơm áo, gạo tiền mà nhiều thanh niên phải ly hương, tới các khu công nghiệp làm công nhân, khiến nguồn quần chúng ưu tú giảm; người ở nhà thì không tham gia sinh hoạt ở các tổ chức chính trị - xã hội, không nâng cao trình độ, nên rất khó để giới thiệu nguồn cho Đảng.
Nhận thức hạn chế cũng làm nhiều người DTTS chưa thiết tha với tổ chức Đảng. Họ cho rằng, vào Đảng sẽ không được tự do tín ngưỡng, mất nhiều thời gian, công sức họp hành. Bởi họ chưa hiểu rõ khi được tôi luyện ở môi trường này sẽ giúp nâng cao hiểu biết, bản lĩnh, sống tốt hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Nữ đảng viên Thị Na - Bí thư Chi đoàn thôn 6, xã Đồng Nai (Bù Đăng) cho biết: “Nhiều người sợ vào Đảng thì phải bỏ đạo. Vì đa số người DTTS ở đây theo đạo Tin lành, Công giáo. Khi em vào Đảng, có người thắc mắc: Có phải “ra đạo” không? Em giải thích vào Đảng vẫn sinh hoạt đạo bình thường mà nhiều người vẫn bán tín bán nghi: Chắc nó ghi trong lý lịch là không tôn giáo. Vì vậy, vận động người DTTS vào Đảng rất vất vả mà hiệu quả chưa cao”.
Anh Điểu Thanh (sinh năm 1981), 4 năm làm Phó thôn và đang làm Trưởng thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn (Bù Đăng) là trường hợp tiêu biểu. Anh sợ vào Đảng phải bỏ đạo nên sau 15 năm làm cán bộ thôn, thì mới vào Đảng được gần 1 năm nay.
Từ thực tế trên, để bồi dưỡng, phát triển đảng viên vùng DTTS, trước hết cần: Phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về công tác xây dựng Đảng vùng DTTS, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới.
Ngọc Tú