Bảo vệ quyền lợi người lao động (31/05/2012)

Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đến người lao động; cuộc sống và quyền lợi của người lao động đã được cải thiện rất nhiều… Tuy nhiên, qua kiểm tra, việc thi hành Luật Lao động và Luật Công đoàn ở các doanh nghiệp, nhất là tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tình trạng vi phạm quyền lợi người lao động còn diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích người lao động, đặc biệt trong các vấn đề thời gian lao động kéo dài, BHXH, bệnh nghề nghiệp…

Tại hầu hết các doanh nghiệp, khi bị kiểm tra đều phát hiện vi phạm quy định về thời gian làm việc, buộc người lao động phải làm từ 10-12 giờ mỗi ngày, thậm chí không trả lương làm thêm giờ, không giải quyết chế độ nghỉ bù. Tình trạng làm thêm giờ liên tục, số giờ làm thêm quá 200 giờ/năm diễn ra ở các doanh nghiệp sử dụng lao động thời vụ, lao động hợp đồng ngắn hạn, các doanh nghiệp làm hàng gia công dệt may, giày da, chế biến thủy sản… Không chỉ thời gian làm việc hàng ngày bị kéo dài quá quy định vắt kiệt sức lực người lao động, người sử dụng lao động còn dùng mọi cách để hạ lương người lao động, cắt giảm tối đa các trang thiết bị bảo hộ lao động khiến rất nhiều người lao động bị mắc các loại bệnh nghề nghiệp mà không được chữa trị kịp thời. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y Tế), trong năm 2011, số người bị mắc các bệnh nghề nghiệp lên đến hàng chục ngàn người, rất nhiều ngành nghề mà người lao động luôn bị ảnh hưởng các loại bệnh khá nguy hiểm nhưng không có trong danh mục quy định của Bộ Y tế khiến quyền lợi người lao động đáng lẽ được hưởng theo Luật BHXH chưa được đáp ứng. Tại TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 2,8 triệu người lao động đang làm việc tại 30.000 doanh nghiệp lớn, 70.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 3 khu chế xuất, 12 khu công nghiệp với gần 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng có tới 72,23% số doanh nghiệp có môi trường lao động ẩn chứa nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp…

Một khảo sát gần đây về tình hình ô nhiễm môi trường lao động tại 1.000 cơ sở sản xuất của Viện nghiên cứu KHKT bảo hộ lao động cho thấy, có tới 68% số phân xưởng sản xuất bị ô nhiễm nhiệt, 20% ô nhiễm bụi, 17% ô nhiễm hơi, khí độc hại…; trong đó có nhiều phân xưởng bị ô nhiễm đồng thời từ 2-3 yếu tố; người lao động tại các nơi này dễ mắc các bệnh nghề nghiệp như viêm phổi (40,26%); các bệnh đường tiêu hóa (14,35%); bệnh về cơ, xương, khớp (12%); các bệnh viêm mũi, viêm xoang… Nguyên nhân là do công nghệ, kỹ thuật sản xuất tại nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề (nấu thép, làm giấy, thuộc da) ở nước ta còn quá lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, người lao động phải trực tiếp tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại... Người sử dụng lao động thường vin vào nguyên nhân khách quan này để biện hộ cho nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính họ khi phớt lờ yêu cầu đầu tư đổi mới công nghệ, lắp đặt hệ thống lọc nước thải, hệ thống lọc bụi đảm bảo sức khỏe cho công nhân và giữ gìn môi trường, mua sắm các trang thiết bị bảo hộ cho người lao động. Theo quy định bắt buộc, doanh nghiệp phải thực hiện đưa lao động đi khám sức khỏe định kỳ với chi phí từ 200 nghìn đồng/người trở lên nhưng họ thường “quên” để tiết kiệm chi phí, chấp nhận phạt hành chính; người lao động trong các doanh nghiệp lại thường chấp nhận những rủi ro thường ngày để giữ chỗ làm; cơ quan chức năng đi kiểm tra xử lý các vi phạm về quyền lợi người lao động cũng lại quá ít để có thể thường xuyên giám sát doanh nghiệp; một số tổ chức công đoàn được bầu ra tại các doanh nghiệp thì “sợ” chủ doanh nghiệp và để đảm bảo quyền lợi cho chính mình thì họ lại không bao giờ chủ động lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho tập thể người lao động tại cơ sở nơi mình làm việc...

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, của chính các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp và của chính người lao động để khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại trong thời gian qua. Những vi phạm về Bộ luật Lao động, Luật BHXH và các quy định khác xâm hại đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động cần được xử lý nghiêm minh; đưa những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người lao động đi vào cuộc sống, làm động lực để phát triển KTXH đất nước và đảm bảo an sinh xã hội.

Bài và ảnh: Quốc Huy